Hà Nội

Bệnh gout: Nguyên nhân, phân loại và cách điều trị

15-02-2023 14:11 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh gout là bệnh viêm khớp vi tinh thể do rối loạn chuyển hóa nhân purin gây ra. Người bệnh gout thường có lượng acid uric trong máu cao. Theo thời gian, các tinh thể acid uric dần hình thành gây sưng, viêm tại khớp và đau đớn cho người bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh gout

Bệnh gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân.

Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

Nguyên nhân gây bệnh gout được chia làm 2 nhóm, trong đó nguyên nhân gây bệnh gout nguyên phát không xác định được nguyên nhân. Thường ảnh hưởng bởi chế độ ăn giàu purin như: ăn nhiều thịt đỏ, hải sản, uống nhiều rượu bia…Thống kê cho thấy, gout nguyên phát có 95% các trường hợp xảy ra ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi.

Nguyên nhân gây gout thứ phát do nhiều yếu tố bao gồm nguyên nhân di truyền (rất hiếm gặp và do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai). Người ta ghi nhận nguyên nhân của bệnh lý suy thận và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận… gây ra các biểu hiện của bệnh gout.

Những người bệnh sử dụng các thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc xương khớp, … hoặc sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính; thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid)…cũng là nguyên nhân gây gout.

Bệnh gout: Nguyên nhân, phân loại và cách điều trị - Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương do bệnh gout.

2. Biểu hiện và phân loại của bệnh gout

Bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

Bệnh gout được chia làm 2 loại

2.1. Đối với cơn gout cấp:

Biểu hiện đầu tiên của bệnh gout là xuất hiện các đợt viêm gout cấp, với các dấu hiệu điển hình người bệnh thấy khớp đau dữ dội và ngày càng tăng. Khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng. Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào, vùng da quanh khớp nóng hơn bình thường.

Đối với cơn gout gấp thường khởi phát đột ngột vào ban đêm, thường gặp ở khớp bàn - ngón chân cái (60 - 70% ). Lúc đầu thường chỉ viêm một khớp, sau đó có thể viêm ra nhiều khớp. Cơn gout cấp kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày. Sau đó, khớp trở lại hoàn toàn bình thường.

Điều quan trọng thấy rằng cơn gout cấp dễ tái phát, khoảng cách có thể gần nhưng cũng có thể rất xa, có khi >10 năm.

2.2. Đối với giai đoạn gout mạn

Biểu hiện thường gặp ở bệnh gout giai đoạn mạn tính bao gồm:

- Xuất hiện các hạt tôphi dưới da: Đây là tình trạng lắng đọng urat làm cho hình thành các tôphi dưới da và gây nên bệnh khớp mạn tính do urat.

Đặc điểm các hạt tôphi xuất hiện chậm, hàng chục năm sau cơn gout đầu tiên nhưng có khi sớm hơn. Khi đã xuất hiện thì dễ tăng số lượng, khối lượng và có thể gây loét. Điều thường thấy tôphi trên sụn vành tai, khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille.

- Xuất hiện tổn thương khớp do urat: Tình trạng bệnh xuất hiện chậm và khớp bị cứng, đau khi vận động và làm hạn chế vận động. Khớp có thể sưng to vừa phải, không đối xứng, cũng có thể có tôphi kèm theo.

− Xuất hiện tổn thương thận do urat: Tình trạng urat lắng đọng rải rác ở tổ chức kẽ thận, bể thận, niệu quản gây ra tổn thương. Trong đó thường thấy sỏi thận, tổn thương thận,.. lâu ngày dần dần diễn tiến đến suy thận. Suy thận thường tiến triển chậm và là nguyên nhân gây tử vong ở người bệnh gout. Thống kê cho thấy có khoảng 10 - 20% các trường hợp gout.

Bệnh gout: Nguyên nhân, phân loại và cách điều trị - Ảnh 2.

Người bệnh gout cần ăn uống khoa học tránh các thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng, thịt đỏ, hải sản…

3. Phương pháp điều trị bệnh gout

Nguyên tắc chung khi điều trị kiểm soát lượng acid uric trong máu ở nồng độ phù hợp. Với từng trường hợp các bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp như: dùng thuốc chống viêm để giảm viêm đau trong đợt gout cấp; Thuốc giảm acid uric trong máu được chỉ định dùng trong giai đoạn gout mạn phòng ngừa đợt cấp tái phát. Tuy nhiên, người bệnh cần có chế độ ăn uống - sinh hoạt khoa học, tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua…. Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150g/ngày.

Tuyệt đối người bệnh gout không uống rượu bia, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên. Uống nhiều nước, khoảng 2 - 4 lít/ngày và cần tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như stress, chấn thương, thời tiết lạnh… Điều trị ngoại khoa được chỉ định cắt bỏ hạt tôphi được chỉ định trong trường hợp gout kèm biến chứng loét, bội nhiễm hạt tophi,…

Tóm lại: Khi đã mắc bệnh gout thì việc điều trị phải kiên trì, chế độ sinh hoạt, ăn uống phải tuân theo lời dặn của bác sĩ.

Để hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh cần giữ lối sống sinh hoạt lành mạnh, không làm việc quá gắng sức và mệt mỏi. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều purin như nội tạng, thịt đỏ, hải sản…, ăn nhiều chất xơ. Không uống nhiều bia rượu vì đây các loại đồ uống cung cấp nhiều purin. Giữ cân nặng hợp lý và duy trì tập thể dục mỗi ngày. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc dẫn đến nguy hại cho sức khỏe.

Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc gout hoặc bệnh gout tái phát cần tới cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị cho hợp lý.

Mời độc giả xem thêm video:

Uống Rượu Bia Sau Bao Lâu Cơ Thể Mới Hết Nồng Độ Cồn? | SKĐS


BS. Minh Ngọc
Ý kiến của bạn