Vì vậy, việc hiểu rõ về biến chứng và làm gì để kiểm soát được bệnh là vô cùng quan trọng.
Nhập viện vì tự chữa gout
Mắc bệnh gout từ năm 2009, ông N.V.D sinh năm 1952 ở Bắc Kạn thường xuyên phải sử dụng thuốc bảo hiểm tại Bệnh viện gần nhà. Tuy nhiên, cơn đau khớp xảy liên tục nên ông mua nhiều loại thuốc đông, tây y được quảng cáo trên mạng internet để uống với mong muốn khỏi bệnh.
Gần đây, ông D có tình trạng bàn ngón tay bị hạt tophi gây biến dạng, sưng nề tấy đỏ, đau chảy mủ, sốt cao, chân sưng to, phù nề toàn thân nên được gia đình đưa đi bệnh viện Bạch Mai khám. Sau khi thăm khám các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm khuẩn hạt tophi/ gout mạn tính.
Gout mạn tính gây biến chứng thế nào?
Gout mạn tính là một dạng viêm khớp phổ biến gây ra những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai nhưng nhiều hơn cả là nam giới ở tuổi trung niên. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng, cụ thể.
Bệnh gout mạn tính khiến người bệnh đau đớn.
- Tổn thương khớp:
Bệnh gout mạn tính biểu hiện bằng sự xuất hiện của các cục tophi và tình trạng viêm đa khớp. Trong giai đoạn này, các biến chứng nguy hiểm hoàn toàn có thể phát sinh, đôi khi còn đe dọa tính mạng. Tốt nhất nên điều trị theo chỉ dẫn bác sĩ kết hợp với điều chỉnh lối sống lành mạnh.
Bệnh gout mạn tính đặc trưng bởi sự hình thành các cục tophi tại khớp, đây là tập hợp của rất nhiều tinh thể muối urat. Hạt tophi phát triển có thể gây ăn mòn da và làm hỏng mô sụn quanh khớp. Ngoài gây ra các cơn đau mạn tính thì còn khiến khớp bị biến dạng. Nhiều trường hợp khớp còn bị phá hủy hoàn toàn, dẫn tới bại liệt.
– Tổn thương thận:
Sự gia tăng quá cao của nồng độ acid uric dư thừa sẽ khiến cho thận và hệ thống tiết niệu suy giảm chức năng. Các tinh thể muối urat có thể lắng đọng tại thận và đường tiết niệu. Tổn thương thận thường thấy là sỏi thận, tắc ống thận, viêm khe thận… Nếu không sớm can thiệp, người bệnh có thể bị suy thận hay nhiễm độc thận.
– Tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ:
Đây cũng là một biến chứng rất nguy hiểm của bệnh gout mạn tính, xảy ra khi tinh thể muối urat lắng đọng trong lòng mạch máu. Từ đó cản trở quá trình lưu thông máu và gây ra những tổn thương trong hệ mạch, đau tim, viêm màng cơ tim.
Ngoài ra, tinh thể muối urat có có thể tích tụ tại mạch máu não. Điều này làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và tai biến ở người bệnh. Nếu không được phát hiện kịp thời, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa.
– Một số biến chứng khác: Ngoài các biến chứng nguy hiểm nêu trên, bệnh gout mạn tính còn có tiềm ẩn nguy cơ phát sinh hàng loạt vấn đề khác.
+ Khô mắt, tầm nhìn kém, đục thủy tinh thể, rối loạn cảm xúc.
+ Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Việc dùng thuốc điều trị gout mạn tính kéo dài có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Làm gì để kiểm soát bệnh gout mạn tính?
Dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng urat trong các tổ chức và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu với mục tiêu kiểm soát acid uric máu…người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt là một trong những yếu tố quan trọng để phòng ngừa và điều trị bệnh gout.
- Người bệnh gout cần tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua…
- Người bệnh gout có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150g/24 giờ. Không uống rượu,..
Trong cơn đau người bệnh gout tuyệt đối để khớp nghỉ ngơi vì sự vận động làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urat vào trong khớp. Hậu quả là khớp sưng đau nhiều hơn. Tốt nhất nằm nghỉ ngơi hoặc bất động bằng nẹp hay bột sẽ giúp giảm đau tốt hơn.
Ngoài cơn đau do gout cần phải có chế độ lao động và sinh hoạt thích hợp với tình trạng khớp đau. Nếu làm quá sức sẽ làm khớp mau hư hơn.
+ Cần giảm cân, tránh béo phì.
+ Cần vận động nhẹ nhàng, vừa sức. Tập luyện nhẹ nhưng thường xuyên.
+ Cần tránh làm việc nặng, quá sức hoặc luyện tập thể thao với cường độ mạnh.
+ Cần giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh, tránh dầm mưa lạnh.
+ Cần giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng .
+ Cần ngâm chân nước nóng hàng tối, có thể làm thường xuyên nhưng không nên dung nước quá nóng, cũng không nên ngâm lúc đang bị viêm cấp.
+ Cần uống nhiều nước, khoảng 2 - 4lít/24 giờ, đặc biệt là các loại nước khoáng kiềm. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.
Tóm lại: Bệnh gout là một trong số các bệnh viêm khớp rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên bệnh lý này nên thường phát hiện muộn hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh xương khớp khác. Do đó nếu có các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý uống thuốc sẽ khiến bệnh nguy hiểm và trầm trọng hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Nước tiểu đục là dấu hiệu bệnh gì ở nam giới?