1. Gout là bệnh gì?
Gout là một loại viêm khớp gây đau đớn, do các tinh thể acid uric sắc nhọn lắng đọng trong các khớp. Acid uric được sản xuất khi cơ thể xử lý purin - chất có trong một số loại thực phẩm và đồ uống như gan, hải sản, đậu Hà Lan, bia…
Acid uric thường được hấp thụ vào máu, được thận xử lý và đào thải qua nước tiểu. Nhưng đôi khi, thận không xử lý acid uric đúng cách, khiến nó tích tụ, nhất là khi một người ăn quá nhiều thực phẩm chứa purine.
Sự tích tụ tạo thành các tinh thể dư thừa, có cấu trúc nhỏ, cứng và sắc nhọn nếu cọ xát vào màng hoạt dịch gây sưng, đau và viêm nhiều. Bệnh gout thường bắt đầu ở bàn chân, đặc biệt là ngón chân cái, thậm chí còn hình thành ở đầu gối, cổ tay, ngón tay và khuỷu tay. Ngoài đau, bệnh nhân bị gout có thể bị sưng, cứng và đỏ ở vùng bị ảnh hưởng.
Theo thời gian, bệnh gout không được điều trị dễ dẫn đến tổn thương khớp mạn tính và biến dạng. Điều này là do các đợt bùng phát lặp đi lặp lại có thể làm mòn xương và sụn, khiến chúng bị suy giảm chức năng.
Bệnh gout phổ biến hơn nhiều ở nam giới so với phụ nữ trẻ. Estrogen, một loại hormone sinh dục nữ, giúp thận xử lý aid uric. Tuy nhiên, khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh gout tăng lên vì nồng độ estrogen giảm đáng kể. Ở phụ nữ, bệnh gout có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở ngón tay và mắt cá chân. Nó cũng phổ biến hơn ở những phụ nữ bị tăng huyết áp và chức năng thận kém.
2. Bệnh gout làm tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới bị bệnh gout có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương (ED) cao. Điều này được giải thích bằng mối liên hệ có thể có giữa nồng độ acid uric cao và rối loạn chức năng nội mô. Nội mô là mô lót tất cả các mạch máu, bao gồm cả mạch máu ở dương vật. Các vấn đề với nội mô có thể hạn chế lưu lượng máu đến dương vật, làm suy yếu khả năng cương cứng. Vì nam giới bị bệnh gout có nồng độ acid uric cao hơn, mối liên hệ này là cơ sở giải thích cho tình trạng ED của họ.
Năm 2015, Tạp chí Thấp khớp Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông đang điều trị bệnh gout có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương cao hơn 29%.
Năm 2017, Tạp chí Nghiên cứu và Trị liệu viêm khớp đã công bố một nghiên cứu lớn về bệnh gout và ED ở nam giới sống tại Anh. Họ đã xác định được 9.653 nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 64 được chẩn đoán mắc bệnh gout từ năm 1998 đến năm 2004 và theo dõi họ cho đến năm 2015. Để so sánh, họ cũng xác định được 38.218 nam giới không mắc bệnh gout ở cùng độ tuổi.
Các nhà khoa học phát hiện rằng những người đàn ông bị bệnh gout có nguy cơ mắc ED cao hơn. Trong thời gian nghiên cứu, 18% nam giới mắc bệnh gout mắc ED, so với 11% nam giới không mắc bệnh gout.
Những người đàn ông mắc bệnh gout cũng có xu hướng uống nhiều rượu hơn, thừa cân hoặc mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh thận mạn tính và trầm cảm.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nguy cơ mắc ED có thể tăng lên trong vòng một năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh gout do nồng độ acid uric trong máu cao hơn.
3. Mối liên hệ giữa bệnh gout và rối loạn cương dương
Một nghiên cứu năm 2021 đã báo cáo rằng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh nhân mắc bệnh gout phải đối mặt với nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn. Xuất hiện dấu hiệu viêm interleukin-1, hiện diện ở cả bệnh nhân gout và người mắc bệnh động mạch vành.
Điểm kết nối khác giữa ED và bệnh gout là tác động của nó lên hệ thống mạch máu. Bệnh có thể gây rối loạn chức năng nội mô, stress oxy hóa, viêm mạch máu và bệnh mạch máu. Đây có thể là một yếu tố nguy cơ bổ sung cho chứng rối loạn cương dương.
Hơn nữa, phương pháp điều trị bệnh gout thường bao gồm thuốc chống viêm (NSAID) và steroid. Mặc dù việc chữa bệnh gout có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh nhưng những loại thuốc này cũng nổi tiếng là ảnh hưởng đến chứng rối loạn cương dương.
4. Người bệnh gout nên làm gì?
Đau do bệnh gout có thể khiến quan hệ tình dục trở nên khó chịu đối với cả nam và nữ. Một số cặp đôi thử tư thế trong "chuyện ấy" cho phù hợp hoặc quan hệ tình dục sau khi thuốc điều trị bệnh gout có hiệu quả nhất. Điều quan trọng là bệnh nhân phải nói với đối tác của mình nếu một hoạt động cụ thể nào đó gây đau đớn và cởi mở thảo luận về các lựa chọn khác để gần gũi.
Bệnh nhân có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để kiểm soát cơn đau và tình trạng viêm. Các loại thuốc khác được kê đơn để ngăn chặn việc sản xuất acid uric hoặc cải thiện khả năng xử lý acid uric của cơ thể. Ngoài ra, chế độ ăn uống lành mạnh có hàm lượng purin thấp có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cơn gout.
Những người nghi ngờ mình bị bệnh gout, đặc biệt là nam giới bị ED, nên đi khám để bác sĩ có chẩn đoán cụ thể.
Trong khi một số rủi ro và yếu tố chính góp phần vào sự hình thành và phát triển của bệnh gout liên quan đến sức khỏe cá nhân, việc duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng trong mọi yếu tố của cuộc sống, không chỉ trong việc kiểm soát bệnh gout. Các yếu tố lớn mà bạn có thể chủ động theo dõi bao gồm:
- Duy trì đủ nước để chống mất nước và đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
- Chú ý đến chế độ ăn uống, tránh các thực phẩm có hàm lượng purin cao như rượu (đặc biệt là bia), thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fructose cao, thịt đỏ, nội tạng động vật, cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ…
- Kiểm soát cân nặng.
- Tập thể dục thường xuyên để cải thiện giấc ngủ.
Đây đều là những yếu tố lối sống có lợi cho sức khỏe và nên được duy trì thường xuyên cùng với việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những điều cần biết về bệnh gout cấp.