Bệnh gout có ảnh hưởng đến sức khoẻ tình dục không?

02-03-2023 10:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh gout có thể bắt gặp ở bất cứ ai, theo thống kê tỷ lệ mắc bệnh gout ngày càng trẻ hóa, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Khi mắc gout nhiều người lo lắng không biết căn bệnh này có ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục không?

Gout là loại viêm khớp đặc biệt gây đau đớn, do sự lắng đọng tinh thể acid uric trong khớp. Acid uric được sản xuất khi cơ thể chuyển hóa purine – một chất có nhiều trong một số thực phẩm như gan, hải sản, đậu và bia. Nếu trước đây bệnh hay gặp ở người trung niên hoặc người cao tuổi thì theo số liệu thống kê cho thấy bệnh gout đang có xu hướng trẻ hóa.

Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nên ăn nhiều chất đạm là một trong những yếu tố, nguy cơ gây bệnh nhưng không phải là nguyên nhân gây bệnh. Mặc dù một người ăn ít thịt cá nhưng có những rối loạn chuyển hóa Purin thì vẫn có thể mắc bệnh.

Bệnh gout là phổ biến ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới. Estrogen- một hormon môn giới tính nữ giúp thận điều hòa acid uric. Tuy nhiên, một khi phụ nữ đến giai đoạn mãn kinh thì có nguy cơ mắc bệnh gout tăng, vì mức độ estrogen giảm đáng kể. Ở phụ nữ, gout có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở các ngón tay và mắt cá chân và cũng phổ biến ở phụ nữ có huyết áp cao và chức năng thận kém.

Bệnh gout có bị ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục không và người bệnh gout cần phải làm gì? - Ảnh 1.

Nam giới bị gout sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn cương. Ảnh minh họa

1. Bệnh gout và mối liên hệ với tình trạng rối loạn cương

Về nguyên tắc tất cả các bệnh tật ở một giai đoạn nào đó, một mức độ nào đó đều có thể làm suy giảm chức quan hệ tình dục. Bệnh gout cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, trong bệnh gout thường ở những đợt cấp của bệnh hoặc khi mắc mạn tính lâu dài, gây biến đổi các chức năng gan, thận hoặc cơ xương khớp (ví dụ làm biến dạng các khớp ở chân tay) thì gây hạn chế chức năng trên.

Theo các nghiên cứu cho thấy nam giới bị gout sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn cương và họ cũng có nhiều khả năng bị rối loạn cương nặng hơn so với những người bình thường. Điều này có thể được giải thích bởi một sự tương quan giữa nồng độ acid uric cao và rối loạn chức năng nội mạc. Nội mạc là lớp tế bào lót bên trong tất cả các mạch máu, bao gồm cả các mạch máu trong dương vật. Các vấn đề với nội mạc có thể hạn chế lưu lượng máu đến dương vật, làm giảm sự cương cứng. Khi nam giới mắc bệnh gout, có nồng độ acid uric cao hơn, thì rối loạn chức năng nội mạc này có thể là nguyên nhân của rối loạn cương.

Để chứng minh vấn đề này, trước đó, một nghiên cứu tại Anh đã công bố tìm ra mối liên quan giữa bệnh gout và rối loạn cương ở nam giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, những người nam giới mắc bệnh gout có nguy cơ cao bị rối loạn cương cao hơn những người bình thường. Trong giai đoạn nghiên cứu, có khoảng 18% nam giới bị gout sẽ có biểu hiện rối loạn cương, so với 11% nam giới ở nhóm không mắc bệnh gout.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, những nam giới bị gout cũng có khả năng uống rượu bia nhiều hơn, thừa cân, hoặc có các bệnh như bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, bệnh thận mạn tính và trầm cảm... nên tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục là điều tất yếu.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nguy cơ rối loạn cương có thể tăng lên trong thời gian 1 năm trước khi xác định chẩn đoán bệnh gout, có thể là do lượng acid uric trong máu cao hơn.

2. Người bệnh gout cần làm gì ?

Các nhà nghiên cứu cho rằng, triệu chứng đau từ gout có thể làm cho đời sống tình dục không thoải mái ở cả nam và nữ. Vậy để làm gì khắc phục vấn đề này là một câu hỏi nhiều người quan tâm.

Theo khuyến cáo, trước hết người bệnh gout cần phải có một chế độ ăn riêng biệt. Trong đó chú ý đến tránh các thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật như: lòng, tiết canh, gan lách; các thịt đỏ giàu nhân purin như thịt chó, thịt bò, bê, thịt dê; hải sản như tôm, cua, cá béo; đậu hạt các loại. Lượng thịt ăn vào trong ngày không quá 150g.

Người bệnh gout cũng cần tránh các thức uống có cồn như rượu, bia. Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả. Đảm bảo lượng nước trong ngày, đặc biệt tốt nếu bệnh nhân uống các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm.

Về thuốc điều trị người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Các thuốc được dùng để dự phòng cơn gout cấp trong những trường hợp cơn gout cấp hay tái phát đều phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa Khớp.

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc vì hiện nay vẫn xảy ra tình trạng tự dùng corticoid để điều trị bệnh gout trở nên phổ biến. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, không những không điều trị khỏi bệnh mà người sử dụng thuốc còn phải chịu rất nhiều tác dụng phụ nặng nề do corticoid gây nên. Tác dụng phụ cho thấy có thể xảy ra là: tăng huyết áp, tiểu đường, nhiễm khuẩn... hoặc bệnh sẽ nhanh chóng chuyển sang mạn tính, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động và sinh hoạt của bệnh nhân.

Để cải thiện những khó chịu do bệnh gout ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, các chuyên gia cho rằng các cặp vợ chồng thử thay đổi tư thế quan hệ mới hoặc khi dùng thuốc điều trị gout cho thấy có hiệu quả tốt hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân phải nói với bạn tình của mình nếu một hoạt động tình dục cụ thể gây đau, cũng như cần thoải mái khi thảo luận các lựa chọn khác cho quan hệ thân mật.

Và điều quan trọng nếu nghi ngờ bị gout, đặc biệt là những người nam giới mắc bệnh gout có kèm theo bị rối loạn cương, nên mạnh dạn đến gặp bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối



BS Trần Thị Minh Hoa
Ý kiến của bạn