Bệnh gout ảnh hưởng thế nào đến sinh lý phái mạnh?

18-01-2023 06:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh gout là viêm khớp cấp tính, đột ngột gây sưng đỏ và đau ở các khớp. Tỉ lệ mắc bệnh gout ở nam giới thường cao gấp 3 - 4 lần so với nữ. Bệnh không chỉ gây đau tại các khớp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thận và có thể gây giảm ham muốn tình dục ở nam giới.

Bệnh gout là do lượng acid uric trong máu tăng quá mức cho phép dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại các khớp làm tổn thương các khớp, đặc biệt khớp ngón chân cái, khớp cổ chân, khớp gối và lắng đọng tại thận làm tổn thương thận.

Nguyên nhân gây bệnh gout

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh gout:

- Chủ yếu do chế độ ăn quá nhiều đạm, hải sản, uống nhiều bia trong thời gian dài, đặc biệt trong những ngày cuối năm liên hoan, nhất là dịp Tết Nguyên đán...

- Bệnh gout có thể do có rối loạn chuyển hóa trong cơ thể khiến tích tụ acid uric trong máu ngày càng tăng dần.

- Một số trường hợp do di truyền.

- Do sử dụng một số thuốc gây tích tụ acid uric trong cơ thể, đặc biệt ở thận (aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị liệu, các loại thuốc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch như cyclosporine,…).

- Ngoài ra, bệnh gout có thể do mắc các bệnh có liên quan như béo phì, cao huyết áp, người có hàm lượng cholesterol cao, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch thận mạn tính, bệnh tiểu đường…

Bệnh gout có thể làm ảnh hưởng đến sinh lý phái mạnh - Ảnh 1.

Sưng đỏ ngón chân là biểu hiện điển hình của gout.

Triệu chứng của bệnh gout

‎ Bệnh gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm, thể hiện bằng các cơn đau khớp:

- Tại khớp bị đau còn có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác: đầu gối, mắt cá chân, bàn chân… và ít gặp hơn ở khớp tay: bàn tay, cổ tay, khuỷu tay...

- Cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường rất hiếm.

- Trong một số trường hợp, bệnh gout không có dấu hiệu ban đầu. Các biểu hiện của bệnh gout thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc gout cấp tính hoặc mạn tính.

- Bệnh có thể gây yếu chức năng sinh lý đàn ông. Bệnh gout không chỉ gây đau đớn mà còn khiến người bệnh mệt mỏi về tinh thần bởi luôn mang tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Nhiều nam giới mắc bệnh gout mang tâm lý tự ti, sống khép kín và ngại yêu đương. Người đã lập gia đình ngại gần gũi vợ; Tâm lý bất ổn do thường xuyên đau đớn ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh lý.

Ngoài tổn thương ở khớp, bệnh gout còn làm tổn thương ở thận do lắng đọng muối urat làm ảnh hưởng rất lớn đến vai trò đào thải chất độc duy trì chức năng sinh lý. Nếu thận bị tổn thương sẽ khiến cho các vai trò này bị suy giảm mạnh.

Hầu hết các bệnh nhân bị gout làm ảnh hưởng đến chức năng thận nên sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác, trong đó có chức năng sinh lý. Bởi vì, thận là bộ phận giúp đảo thải chất độc cũng như acid uric ra khỏi cơ thể, nếu nồng độ acid uric luôn cao sẽ khiến cho thận phải hoạt động quá nhiều trong một thời gian dài, từ đó có thể gây nên tình trạng suy thận.

Bên cạnh đó, việc đào thảo acid uric qua thận tạo điều kiện cho các tinh thể urat lắng đọng gây nên sỏi thận, viêm khe thận hay viêm cầu thận. Do chức năng thận bị suy giảm nên hiện tượng sinh lý như di tinh, hoạt tinh hay tiết tinh sẽ bị mất kiểm soát từ đó dẫn đến nam giới bị yếu sinh lý và giảm ham muốn tình dục.

Mặt khác, các tinh thể muối urat tích tụ cũng làm xơ cứng khớp xương khiến việc cử động trở nên khó khăn và đau đớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và thậm chí là hiếm muộn hoặc vô sinh.

Ngoài chức năng thận suy giảm, những cơn đau của bệnh gout cũng tác động lên thần kinh trung ương làm suy giảm hormone sinh dục nam gây hiện tượng giảm chất lượng, số lượng tinh trùng và ham muốn ở nam giới. Thêm vào đó khi quan hệ tình dục sẽ làm tăng mức độ đau của cơn gout cấp tính, khiến bệnh nhân mất đi sự hưng phấn, lâu dài sẽ dẫn tới lãnh cảm, suy giảm chức năng sinh lý.

Bệnh gout có thể làm ảnh hưởng đến sinh lý phái mạnh - Ảnh 2.

Người bệnh gout không nên ăn nội tạng động vật.

Lời khuyên của bác sĩ

Để hạn chế bệnh mắc bệnh gout và đề phòng gout tái phát làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, người bệnh cần:

- Hạn chế hoặc kiêng ăn các loại hải sản, nội tạng động vật.

- Không nên uống rượu, bia.

- Những người đang sử dụng một số thuốc, những người béo phì, mắc bệnh tiểu đường hoặc mắc bệnh về khớp (thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…) có nguy cơ làm tăng acid uric máu… cần khám bệnh định kỳ để được phát hiện và có chỉ định điều trị càng sớm càng tốt.

Những loại rau quả "khắc tinh" với các cơn đau do goutNhững loại rau quả 'khắc tinh' với các cơn đau do gout

SKĐS - Không có một chế độ ăn cụ thể nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn cơn gout cấp. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Rau và trái cây là thực phẩm an toàn cho người bệnh gout, người bệnh nên chọn loại rau quả gì là tốt nhất?

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Mùa Lạnh Đừng Để Viêm Phổi 'Tấn Công" | SKĐS


BS. Nguyễn Hoàng Lan
Ý kiến của bạn