Bệnh Glôcôm phải điều trị suốt đời để tránh nguy cơ mù lòa

10-03-2015 16:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 10/3, Bệnh viện Mắt TƯ đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới diễn ra từ ngày 8-14/3/2015 với chủ đề “Phát hiện và kiểm soát bệnh Glôcôm”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Ngay sau lễ mít tinh, BV cũng tổ chức khám, tư vấn và tuyên truyền trực tiếp cho 100 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về cách chăm sóc, theo dõi và điều trị mắt tại phòng khám Khoa Glôcôm. Thông điệp được gửi đến cho cộng đồng đặc biệt nhấn mạnh: Bệnh Glôcôm phải được khám phát hiện sớm, theo dõi và điều trị suốt đời.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Cung Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Mắt TƯ nhấn mạnh, Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) là một căn bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa. Tuy nhiên, việc phòng tránh mù lòa do Glôcôm có thể thực hiện được bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và cần phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

Theo các nghiên cứu dự báo số lượng bệnh nhân Glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm vào năm 2020, chiếm tỉ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh.

Trong khi đó, nghiên cứu tại BV Mắt TƯ năm 2011 cho thấy, có khoảng 94% người dân tham gia khám sàng lọc còn lơ mơ hoặc không nghe biết gì về bệnh Glôcôm. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao. Cũng có nhiều trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của thầy thuốc nên hiệu quả điều trị không cao.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, bệnh Glôcôm còn có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt cửa bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.

Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm:

- Những người trên 35 tuổi. Tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn

- Những người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm

- Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân)

- Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, cao huyết áp…

- Những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glôcôm.

- Những người nhãn áp cao trên 25mmHg

 

Hạ Hiền

 


Ý kiến của bạn