Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh giun chỉ (GWD) đang có chiều hướng quay trở lại. Căn bệnh chỉ cần nhìn qua đã thấy sởn gai ốc vì người bệnh dùng tay kéo con giun từ những vết thương mở ra ngoài, càng kéo càng dễ chịu, thậm chí có những con giun dài tới trên 1 mét.
Bệnh GWD là gì?
Bệnh giun chỉ (Guinea Worm Disease hay Dracunculiasis), viết tắt GWD, là căn bệnh nhiễm trùng gây nên bởi ký sinh trùng Dracunculus medinensis. Bệnh lây qua đường nước uống có chứa ấu trùng giun Guinea, dạng chưa trưởng thành của sâu. GWD ảnh hưởng đến cộng đồng những người nghèo tại các vùng xa xôi hẻo lánh của châu Phi do thiếu nguồn nước sạch và được coi là căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên, nhưng nay đang có xu hướng bùng phát, quay trở lại.
Tuyên truyền giáo dục cộng đồng để giảm thiểu bệnh GWD.
Theo các chuyên gia ở Đại học Y khoa Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh (LTM), thì bệnh GWD phát triển mạnh tại các nước châu Phi. Khi đủ tuổi, người ta có thể kéo được những con giun dài trên 1 mét từ da người bệnh. Căn bệnh phát triển âm thầm, người trong cuộc đôi khi không biết được bệnh, chỉ đến khi đau nhức, đi khám mới biết mắc bệnh. GWD đã bùng phát mạnh cách đây 3 thập kỷ, hàng triệu người mắc bệnh và cứ ngỡ đã thanh toán nhưng hiện nay đang có nguy cơ tái xuất hiện, đặc biệt là do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, GWD hiện chưa hề có vaccin hay các phương pháp đặc trị.
GWD gây đau nhức, khó chịu
Nguyên nhân chính gây bệnh GWD là do vệ sinh kém, nhất là uống phải nguồn nước bị nhiễm ấu trùng do ký sinh trùng Dracunculus medinensis đẻ ra, thường gặp trong nguồn nước tại những vùng nông thôn nghèo, xa xôi hẻo lánh. Ấu trùng sau đó phát triển ngay trong cơ thể vật chủ thành giun trong thời gian 1 năm, bắt đầu từ dạ dày và thâm nhập vào đường tiêu hóa, đi vào các hốc, khoang cơ thể. Trong 10 - 14 tháng, ấu trùng phát triển đầy đủ, dài 60 - 100cm, đường kính bằng một sợi mì nhỏ. Cuối cùng, con cái chui ra khỏi cơ thể vật chủ qua đường vết thương ở chân để đẻ trứng, nhất là trong môi trường nước. Ví dụ, khi tắm hoặc làm việc trong môi trường có nước hoặc khi người bệnh thấy đau nhức chân, ngâm vào nước, lợi dụng môi trường này giun đẻ trứng.
Giun chỉ đủ tuổi có thể dài tới 1m.
Cảm giác đau đớn, rát bỏng kéo dài trong vòng 24 - 72 giờ. Trước khi giun Guinea thoát ra khỏi vết thương, tiết ra chất lỏng màu đục sữa vào trong nước kèm theo hàng triệu ấu trùng chưa trưởng thành. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn bắt đầu một chu trình sống mới của giun. Mặc dù bệnh GWD hiếm khi gây tử vong nhưng lại làm cho người bệnh ốm yếu, mệt mỏi kéo dài, không thể làm việc được, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thu nhập.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, UNICEF đã phát động một chương trình mang tên Xóa bỏ giun Guinea Worm toàn cầu (GWEP), nhất là ở Tây Phi và những vùng nông thôn hẻo lánh ở châu Phi, nơi kinh tế khó khăn, dịch vụ y tế còn nghèo nàn. Nguyên thủy, Chương trình GWEP được Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) khởi xướng từ đầu thập niên 80 khi chiến dịch xóa sổ bệnh đậu mùa thành công. Do căn bệnh chỉ lây qua con đường nước bị ô nhiễm, nên Liên hợp quốc đã phát động Chương trình Cung cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường giai đoạn 1981 - 1990 (IDWSSD), riêng Mỹ còn có hẳn một trung tâm mang tên Trung tâm Carter (TCC) do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đứng đầu chuyên lo về phòng trừ bệnh GWD. Từ năm 1982, TCC đã tập trung vào các hoạt động như giải quyết xung đột chính trị và các loại bệnh trong chiến tranh và bệnh GWD.
Giải pháp ngăn chặn bệnh GWD
Từ năm 1986, số người mắc bệnh GWD đã giảm từ 3,5 triệu ca tại 21 quốc gia châu Phi và châu Á xuống còn 148 ca vào năm 2013, chủ yếu ở 4 quốc gia là Chad, Ethiopia, Mali và Nam Sudan, nhưng thực tế thì nhiều nơi con số báo cáo không phản ánh hết thực tế, vì vậy số người mắc bệnh có thể còn cao hơn, bởi phần lớn những nước mắc bệnh đều là ở các nước nghèo nên công tác giám sát, thống kê ít được quan tâm và thiếu tính minh bạch.
Theo các chuyên gia của LTM, một trong những giải pháp quan trọng trong cuộc chiến phòng chống bệnh GWD là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tác dụng của việc giữ vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, tuyên truyền người dân sử dụng bộ lọc nylon hoặc vải thông thường để loại bỏ ấu trùng giun trước khi sử dụng. Ngoài giải pháp vệ sinh, còn một yếu tố khác làm cho căn bệnh bùng phát chính là chiến tranh, xung đột kéo dài, nhất là ở Nam Sudan, Ghana..., làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng, kinh tế khó khăn, tạo điều kiện cho căn bệnh trên bùng phát.
Theo CDC, mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh GWD nếu uống phải nguồn nước ô nhiễm, tuy nhiên căn bệnh này có thể ngăn ngừa được bằng cách dùng nguồn nước đảm bảo vệ sinh, tẩy lọc đầy đủ. Những người có mụn sưng và vết thương ở chân không nên tắm rửa tại những nơi dùng làm nguồn nước sinh hoạt. Thường xuyên lọc nước uống bằng bộ lọc plastic hay bằng vải để loại trừ bọ chét nước, sinh vật mang ấu trùng giun Guinea. Ngoài ra, có thể xử lý nguồn nước sinh hoạt bằng thuốc diệt ấu trùng đã được phê duyệt. Nên tiếp cận nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh, kể cả nguồn nước giếng khoan hay giếng đào.
(Theo Net/CNN, 8/2014)
Việt Hà