Bệnh giang mai có chữa khỏi hẳn được không?

11-11-2021 16:47 | Bệnh lây truyền

SKĐS - Một bệnh nhân nam 29 tuổi, chưa có gia đình đến gặp bác sĩ Nam khoa. Trong lần đầu gặp, bệnh nhân tỏ rõ vẻ chán nản và lo lắng….

Bệnh đàn ông - Vì sao không chịu đến bệnh viện?Bệnh đàn ông - Vì sao không chịu đến bệnh viện?

SKĐS - Mặc dù nhận thức của cộng đồng về bệnh nam khoa đã được nâng lên rất nhiều so với 10 năm trước, nhưng so với các chuyên ngành khác thì hầu hết nam giới đều e ngại khi nói về những căn bệnh của các quý ông.

Bệnh nhân kể cách đây 1 năm, bệnh nhân có quan hệ ngoài luồng, sau đó bị bệnh giang mai. Bệnh nhân đã điều trị hết triệu chứng lâm sàng. Cách đây 3 tháng, bệnh nhân muốn đi kiểm tra lại xem còn bị bệnh không tại một phòng khám tư nhân. Kết quả xét nghiệm TPHA (một xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán bệnh giang mai) chỉ ra bệnh nhân vẫn còn bị "dương tính" mặc dù trên lâm sàng không hề có triệu chứng gì. Và các bác sĩ ở đó lại điều trị một đợt thuốc kháng sinh liều cao cho bệnh nhân.

Cách đây 1 tháng, bệnh nhân dù không có triệu chứng nhưng vẫn thử đi xét nghiệm lại TPHA tại 1 phòng khám tư nhân có tiếng khác ở Hà Nội, kết quả vẫn là "dương tính", và lại được điều trị một đợt kháng sinh liều cao.

Lần này, bệnh nhân quyết định đến khám chuyên khoa Nam học tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xem mình đã khỏi hẳn chưa. Bệnh nhân lo lắng đến nỗi nhiều tháng nay bệnh nhân không dám gần gũi người yêu, không dám hiến máu tình nguyện, và nỗi sợ hãi bị vô sinh. Tất cả nỗi niềm về bệnh tật đều giãi bày với bác sĩ và mong muốn chữa trị dứt điểm về bệnh.

Khám lâm sàng cho bệnh nhân, không thấy có tổn thương bất thường nào nghi giang mai tái phát hay biến chứng. Bác sĩ chỉ định 2 xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh nhân, kết quả là xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao, nhưng xét nghiệm RPR thì âm tính.

Khi giải thích cho bệnh nhân là bệnh nhân đã khỏi bệnh, thì bệnh nhân rất thắc mắc, vì rõ ràng là xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao như ở hai phòng khám tư nhân trước đã làm, mà tại sao bác sĩ lại nói khỏi bệnh?

photo-1636622630073

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trẻ tuổi.

* Vấn đề xảy ra ở đây là gì?

Bệnh giang mai do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai là "một kháng nguyên", nó sẽ kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch sinh ra "kháng thể" chống lại nó.

Xét nghiệm TPHA giúp chúng ta phát hiện ra các kháng thể này. Khi đã điều trị hết vi khuẩn, các kháng thể này sẽ tồn tại trong cơ thể chúng ta lâu dài, vậy nên xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao hơn bình thường trong một thời gian dài là điều dễ hiểu.

Còn xét nghiệm RPR là xét nghiệm tìm “kháng thể không đặc hiệu” của xoắn khuẩn giang mai trong cơ thể. RPR có thể tăng cao trong giai đầu xoắn khuẩn giang mai mới xâm nhập vào cơ thể, và ngược lại.

Với bệnh nhân trên, xét nghiệm TPHA tăng cao, RPR (-) phiên giải ra có nghĩa là bệnh nhân đã từng bị giang mai nhưng hiện tại không mắc. Và bác sĩ Nam khoa không điều trị gì cho bệnh nhân trên.

Vậy nên, lời khuyên của bác sĩ là khi có các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục, hãy đi khám các bác sĩ chuyên khoa Nam học uy tín.

photo-1636622626483

Hình ảnh bệnh nhân giang mai.

* Các triệu chứng sớm của bệnh giang mai

Sau quan hệ tình dục không an toàn (thời gian ủ bệnh có thể từ 10-90 ngày), người bệnh xuất hiện một hoặc nhiều vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 - 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng (gọi là săng giang mai) và bóp không đau.

Săng giang mai thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới sẽ hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ.

Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật... Ngoài ra, săng giang mai có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi...

Hạch sẽ xuất hiện 5 - 6 ngày sau khi có săng, hạch vùng bẹn sưng to và thành chùm.

Bệnh giang mai có chữa khỏi không?
Có, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra của bệnh. Cần điều trị cho cả bạn tình để tránh nguy cơ tái nhiễm.

Theo tài liệu của Bộ Y tế, hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh. Cụ thể:

- Giang mai thời kỳ thứ nhất

Các thương tổn thường xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần bị lây. Đặc trưng của thời kỳ này là săng (Chancre) giang mai với các biểu hiện:

  • Là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ thịt tươi và có nền cứng (vì vậy gọi là “săng cứng”).
  • Vị trí của săng: Thường gặp nhất là niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật... Ngoài ra, săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,...
  • Hạch: Hạch vùng bẹn sưng to, thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.

- Giang mai thời kỳ thứ 2

Thời kỳ này bắt đầu khoảng 6-8 tuần từ khi có săng với các biểu hiện lâm sàng sau đây:

  • Đào ban: Các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình.
  • Sẩn giang mai với nhiều hình thái đa dạng: sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh. Sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử...
  • Sẩn phì đại: hay gặp ở hậu môn , sinh dục.
  • Viêm hạch lan tỏa.
  • Rụng tóc kiểu “rừng thưa”.

- Giang mai thời kỳ thứ 3

Thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng sau đây:

  • “Gôm” giang mai ở da, cơ, xương.
  • Thương tổn tim mạch (giang mai tim mạch).
  • Thương tổn thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).

Chú ý: Giữa thời kỳ thứ nhất đến thời kỳ thứ hai, giữa thời kỳ thứ hai đến thời kỳ thứ ba, bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng. Đó là giang mai kín và được phát hiện chỉ nhờ xét nghiệm huyết thanh.

* Phòng bệnh giang mai không khó

Biện pháp dự phòng cần làm gồm:

- Tuyên truyền, giáo dục y tế: Giáo dục lối sống lành mạnh, thủy chung một vợ, một chồng.

- Giáo dục hành vi tình dục an toàn, tình dục có bảo vệ (sử dụng bao cao su).

- Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không tự mua thuốc điều trị.

- Vệ sinh phòng bệnh: Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong thời kỳ có thai. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các phụ nữ có thai.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục – Khi “cái đó” làm hại cái thânBệnh lây truyền qua đường tình dục – Khi “cái đó” làm hại cái thân

SKĐS - Tình dục là điều thiêng liêng và hạnh phúc của đời sống con người, là hoạt động cần thiết để duy trì giống nòi của xã hội. Nếu có được hoạt động tình dục lành mạnh và an toàn, con người sẽ luôn đón nhận sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, thông qua các hoạt động tình dục rất nhiều bệnh tật có thể lây truyền giữa người và người, gây nên những bệnh lý nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng. Vậy bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tin vui: Vaccine COVID-19 COVAXIN được phê duyệt có điều kiện.

BS. Hạ Hồng Cường
Khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn