Hà Nội

Bệnh giang mai bẩm sinh có chữa được không?

04-10-2023 11:54 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bé trai 3 tháng tuổi trong tình trạng bong vảy ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với bệnh giang mai. Vậy bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ nguy hiểm thế nào, cách nhận biết ra sao? Bệnh giang mai bẩm sinh có chữa được không?

Bé trai 3 tháng tuổi lây giang mai từ mẹBé trai 3 tháng tuổi lây giang mai từ mẹ

SKĐS - Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc giang mai bẩm sinh sớm và là trường hợp bệnh được truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Bệnh giang mai lây truyền từ mẹ sang con

Bệnh giang mai là bệnh do xoắn khuẩn Treponema Pallidum gây nên, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con. Mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh.

Bệnh giang mai bẩm sinh xảy ra khi mẹ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh cho thai nhi trong quá trình mang thai, thường xảy ra từ tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ.

Theo nghiên cứu, có tới 40% trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh giang mai nếu không được điều trị thì sẽ bị chết lưu, các biến chứng khác bao gồm sinh non và nhẹ cân. Thiếu máu nặng, vàng da, gan lách to và không phát triển có thể xảy ra ngay sau khi sinh hoặc trẻ có thể không có triệu chứng trong nhiều năm, với các biến chứng thần kinh chỉ rõ ràng sau này trong cuộc đời.

Triệu chứng bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ

Bệnh giang mai bẩm sinh sớm: Thường xuất hiện trong 2 năm đầu, nhưng hay gặp nhất vẫn là 3 tháng đầu và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3 với các triệu chứng như phỏng nước, bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot, nhẹ cân, tuần hoàn bàng hệ, gan to, lách to…

Bệnh giang mai bẩm sinh muộn: Xuất hiện khi trẻ trên 2 tuổi và mang tính chất của giang mai thời kỳ 3, với các triệu chứng như viêm giác mạc kẽ ở trẻ dậy thì, lác quy tụ, điếc cả 2 tai ở trẻ 10 tuổi…

Tuy nhiên, bệnh giang mai bẩm sinh đôi khi không có các triệu chứng trên, chỉ có thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm… đó là di chứng của bệnh giang mai bẩm sinh do các thương tổn từ trong bào thai đã liền sẹo để lại.

photo-1696372980289

Bệnh giang mai là bệnh do xoắn khuẩn Treponema Pallidum gây nên.

Chẩn đoán bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ

Bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ sẽ gây tổn thương ở da, niêm mạc, nếu không được điều trị có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể: Cơ, xương, khớp, tim mạch, thần kinh…

Ở phụ nữ mang thai, mẹ bị bệnh giang mai sẽ truyền cho con qua nhau thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ tử vong ngay sau khi sinh. Nếu trẻ sống, sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh gây tổn thương da, cơ xương khớp, tai, mắt, tim mạch, thần kinh… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ ngay sau sinh và để lại biến chứng lâu dài.

Vì vậy, ngoài biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm tìm xoắn khuẩn: Kính hiển vi đen; Nhuộm thấm bạc Fontana Tribondeau; Các phản ứng huyết thanh… để chẩn đoán xác định bệnh.

Bệnh giang mai được điều trị rất hiệu quả bằng thuốc, điều trị càng sớm thì càng có hiệu quả và không để lại biến chứng. Đây cũng là phương pháp duy nhất để điều trị và phòng ngừa tổn thương bẩm sinh cho thai nhi, bệnh này khi đã gây tổn thương cho thai nhi thì sẽ để lại di chứng lâu dài.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ, tất cả bà mẹ phải tầm soát xét nghiệm tầm soát giang mai tiền hôn nhân, trước khi mang thai, 3 tháng đầu thai kỳ để được điều trị ngay càng sớm càng tốt, đặc biệt trước khi sinh 4 tuần, nhằm tránh nguy cơ lây truyền bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ.

Ngoài bệnh giang mai, chú ý các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể truyền từ mẹ sang con như: HIV, viêm gan B, lậu, Chlamydia… Những bệnh này không chỉ có nguy cơ gây sinh non, sảy thai, thai chết lưu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cho mẹ và cả bé sau sinh.

Nếu thấy có triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như vết loét, vết sùi, mụn nước mọc bất thường ở vùng sinh dục, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Để được điều trị hoặc điều trị dự phòng thích hợp, tránh lây truyền và để lại hậu quả khôn lường sang con.

Ngoài ra, để phòng tránh bệnh lây nhiễm nên thực hiện sinh hoạt an toàn, lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Để tránh lây nhiễm giang mai, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc đồ dùng cá nhân của người bệnh.

BS Nguyễn Ngọc Ánh
Ý kiến của bạn