Hà Nội

Bệnh gan nhiễm mỡ khởi phát từ rượu bia

16-10-2019 13:59 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều quý ông đi khám sức khỏe nhận kết quả “gan nhiễm mỡ”, về vẫn vô tư uống rượu bia vì nghĩ rằng rượu bia không phải là chất béo nên không ảnh hưởng đến bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy việc gan nhiễm mỡ thực ra có liên quan đến rượu bia như thế nào?

Gan nhiễm mỡ do rượu bia

Theo TS.BS. Võ Hồng Minh Công, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa BV. Nhân dân Gia Định (TP.HCM), gan nhiễm  mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan, khi lượng mỡ tích tụ trên 5% trọng lượng gan. Việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt là ở nam giới. Ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.

Mỗi năm trên thế giới có 3,3 triệu người chết vì cồn, cao hơn số nạn nhân thiệt mạng vì AIDS, lao phổi và bạo lực cộng lại.

Các thống kê cũng cho thấy, uống rượu quá mức gây gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan. Bệnh nhân uống rượu từ 30ml trở lên mỗi ngày có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan. Dù vậy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tiêu thụ bia rượu cao nhất thế giới. Năm 2005, Việt Nam đứng hàng thứ 24 đến năm 2015 vọt lên đứng hàng thứ 8, trong khi đó sản lượng bia rượu tiêu thụ năm 2010 là 2,41 tỷ lít đến năm 2016 sản lượng tiêu thụ tăng lên 3,79 tỷ lít.

Bệnh gan nhiễm mỡ  khởi phát từ rượu bia

Diễn tiến tự nhiên của gan nhiễm mỡ

Từ gan bình thường đến gan nhiễm mỡ đến viêm gan nhiễm mỡ rồi xơ gan cuối cùng là ung thư gan.

Người bị gan nhiễm mỡ hầu như không có triệu chứng gì. Chỉ có một vài bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác tức nặng, đau ở vùng hạ sườn phải. Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc khi siêu âm. Vì vậy, để phát hiện sớm, nên siêu âm tầm soát bệnh 6 tháng/lần.

Các triệu chứng cảnh báo là chán ăn, ăn không ngon; mệt mỏi kéo dài và buồn nôn, đầy bụng. Tuy nhiên, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, khi gan nhiễm mỡ kéo dài, triệu chứng thường thấy gan to kín đáo, men gan và phosphatase kiềm tăng vừa phải; trong thời điểm này thường không bộc lộ triệu chứng ra ngoài.

Giai đoạn 1: Mỡ chiếm 5 - 10% trọng lượng gan. Lâm sàng chưa có triệu chứng.

Giai đoạn 2: Mỡ chiếm 10 - 30% trọng lượng gan. Lâm sàng thấy gan to hơn bình thường, men gan tăng, người mệt mỏi.

Giai đoạn 3: Mỡ chiếm trên 30% trọng lượng gan. Đây là giai đoạn nặng viêm gan và xơ gan, men gan tăng, đau tức vùng gan, người mệt mỏi, có thể có vàng da, xuất huyết.

Siêu âm gan mật chẩn đoán gan nhiễm mỡ có độ nhạy đạt trên 90%. Hình ảnh điển hình là nhu mô gan “sáng” và dày hơn, gan thường to hơn và bờ gan tròn, nhẵn.

Dấu hiệu trên siêu âm bụng

Gan nhiễm mỡ độ 1: Gia tăng nhẹ độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm chưa đáng kể, vẫn còn xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.

Gan nhiễm mỡ độ 2: Gia tăng độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, khả năng xác định được cơ hoành. Đường bờ các tĩnh mạch trong gan bị giảm nhiều.

Gan nhiễm mỡ độ 3: Gia tăng rõ rệt độ hồi âm lan tỏa của nhu mô, mức độ hút âm tăng mạnh đến mức khó xác định được cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan.

Chẩn đoán chắc chắn phải bằng sinh thiết gan, mô bệnh học gan cho thấy nhiễm mỡ gan.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan trên 5% trọng lượng gan

Điều trị

Bắt buộc phải bỏ rượu. Nếu tổn thương gan mới chỉ ở giai đoạn gan nhiễm mỡ (gan thoái hóa mỡ), cấu trúc và chức năng gan có thể hồi phục sau một thời gian bỏ rượu.

Giảm cân nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì.

Hạn chế ăn các thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật, mỡ động vật, ăn nhiều rau và hoa quả.

Tăng cường dinh dưỡng, kiểm soát các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, béo phì, suy dinh dưỡng.

Dự phòng

Những người thường xuyên uống rượu nên đi xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm tổn thương gan. Ngưng uống rượu, bia.

Những người đã có bệnh gan, tuyệt đối không uống rượu bia vì sẽ làm cho tình trạng viêm gan nặng thêm.

Nếu là người hoàn toàn khỏe mạnh và có thói quen uống rượu, nên cố gắng giảm uống rượu mạnh, chuyển sang thưởng thức rượu vang và bia mỗi ngày với số lượng vừa phải.

Nếu uống đúng mỗi tuần dùng từ 7 - 14 đơn vị (1 đơn vị rượu tương đương 25ml độ cồn 40%) rượu đối với nữ và 21 đơn vị đối với nam rất tốt cho tim mạch và hệ tiêu hóa.

Nếu nữ uống trên 3 đơn vị cồn/ngày, nam uống trên 4 đơn vị cồn/ngày, gây tổn thương gan dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan nhiễm mỡ do rượu, xơ gan cuối cùng là ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ không do rượu

Hiện nay, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease: NAFLD) là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng men gan. Tỷ lệ bệnh NAFLD ở châu Âu khoảng 35%, ở châu Á khoảng 25%.

Tiến triển của bệnh NAFLD có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khoảng 15 - 30% dân số bị bệnh NAFLD, khoảng 12 - 40% trong nhóm bệnh nhân này sẽ diễn tiến tới viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (Non alcoholic steato hepatitis: NASH), khoảng 15 - 25% bệnh nhân NASH sẽ diễn tiến đến xơ gan, và khoảng 7 % trong nhóm bệnh nhân xơ gan sẽ tiến tới ung thư tế bào gan.

NAFLD là gì?

Khi bệnh nhân có gan nhiễm mỡ trên trên mô học hoặc trên chẩn đoán hình ảnh (siêu âm bụng, CT-scan, MRI…) thường kèm theo những yếu tố nguy cơ như béo phì, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu.

Người bệnh không có nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ thứ phát khác như uống nhiều rượu, nhiễm viêm gan siêu vi C, bệnh Wilson, loạn dưỡng mỡ, thiếu ăn, dinh dưỡng ngoài đường miệng kéo dài, do thuốc (amiodarone, methotrexate, tamoxifen, corticosteroids, valproate, anti-retroviral…), gan nhiễm mỡ cấp ở phụ nữ có thai, khiếm khuyết chuyển hóa bẩm sinh.

Bệnh gan nhiễm mỡ  khởi phát từ rượu biaĐể phát hiện sớm, nên siêu âm tầm soát bệnh 6 tháng/lần

Ai dễ mắc NAFLD?

Gồm những người bị béo phì, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, suy tuyến yên, suy tuyến sinh dục, cắt tá tràng tụy.

Rối loạn mỡ máu: Triglycerid máu cao, HDL cholesterol máu thấp cũng phổ biến trong bệnh NAFLD. Tỷ lệ bệnh NAFLD trong nhóm bệnh nhân rối loạn mỡ máu khoảng 59%.

Tỷ lệ bệnh NAFLD và mức độ bệnh gan tăng theo tuổi, bệnh NAFLD ở nam cao gấp 2 lần nữ; bệnh cũng khác nhau giữa các sắc tộc. Điều này được giải thích là do sự khác nhau về yếu tố gien.

Người bị gan nhiễm mỡ hầu như không có triệu chứng gì

Diễn tiến tự nhiên và dự hậu của bệnh NAFLD như thế nào?

Trong 2 thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu về diễn tiến tự nhiên của bệnh NAFLD. Đối với những bệnh nhân đã diễn tiến qua NASH, đặc biệt là xơ hóa gan (Fibrosis) có tăng nguy cơ cao hơn về xơ gan (cirrhosis), tỷ lệ tử vong do bệnh gan.

Bệnh nhân bị bệnh NAFLD có tăng tỷ lệ tử vong toàn bộ so với nhóm chứng không bị bệnh NASH; bệnh nhân bị NAFLD có tăng tỷ lệ tử vong do bệnh gan.

Khoảng 13% bệnh nhân bị ung thư tế bào gan do bệnh NAFLD mà không có xơ gan. Các nghiên cứu trên thế giới đã xác nhận rằng số lượng bệnh nhân ung thư tế bào gan do bệnh NAFLD ngày càng tăng. Ung thư tế bào NAFLD cần ghép gan đứng hàng thứ 2 về các nguyên nhân gây ung thư gan. Và trong tương lai nó sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, vượt qua ung thư gan do viêm gan virus, cần được ghép gan.

Làm gì khi bệnh NAFLD?

Nếu bệnh nhân chỉ bị gan nhiễm mỡ đơn thuần, không có NASH, không có xơ hóa gan thì cần có chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể lực, chưa cần điều trị thuốc.

Đối với bệnh nhân bệnh gan NAFLD, dư cân, béo phì, giảm 7 - 10% cân nặng là mục tiêu điều trị, làm giảm men gan và cải thiện mô học gan.

Nên xem xét hạn chế năng lượng và loại bỏ các thành phần thức ăn thúc đẩy bệnh NAFLD (thực phẩm chế biến, thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fructose cao). Tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi). Ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá).

Một số thức ăn được xem là “thuốc” có tác dụng “giảm mỡ” tốt như: dầu đậu nành, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối (bông chuối)…; trái cây nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín… trà xanh, hoa hòe… Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật, các loại đồ lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng, não, gan gia súc…

Lựa chọn môn thể dục nào tùy thuộc sở thích của bệnh nhân và có thể duy trì lâu dài được.

Khám định kỳ chuyên khoa gan để được theo dõi, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp kịp thời.

Điều trị thuốc đối với bệnh nhân NASH, đặc biệt đối với bệnh nhân xơ hóa gan đáng kể.

Đối với những bệnh nhân không có các tình trạng trên, nhưng có nguy cơ cao của bệnh tiến triển (đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, tăng men gan dai dẳng, viêm hoại tử cao) có thể điều trị thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển.


VIẾT TOÀN
Ý kiến của bạn