Những người làm việc trong môi trường y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường máu, trong đó có viêm gan siêu vi B. Phơi nhiễm xảy ra do kim hoặc do các vật sắc bén bị vấy máu hay dịch tiết của người bệnh phơi nhiễm qua da bị tổn thương hay do mắt, mũi, miệng tiếp xúc với máu/dịch tiết của người bệnh (phơi nhiễm qua đường niêm mạc)...
Các triệu chứng của bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B (VGB) là bệnh rất dễ lây nhiễm, hơn nữa đây còn là bệnh có diễn biến rất phức tạp, người bệnh khi mắc bệnh VGB trải qua hai giai đoạn bệnh đó là VGB cấp tính và VGB mạn tính.
Ở mỗi giai đoạn bệnh gan thì có thể bệnh có triệu chứng khác nhau, đôi khi những triệu chứng bệnh không rõ ràng vì triệu chứng không kéo dài nên người bệnh rất khó nhận biết. Tuy nhiên, đối với mỗi bệnh nhân VGB thì những triệu chứng VGB mà người bệnh có thể mắc phải là: sốt (đặc biệt là sốt vào buổi chiều) và mệt mỏi. Đây là hai triệu chứng đầu tiên mà người bệnh VGB mắc phải. Tiếp đó là các triệu chứng vàng da, vàng mắt; nước tiểu sẫm màu; chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu; buồn nôn, ói mửa; phân lỏng, nát, phân có màu xám; đau tức hạ sườn phải.
Các thể viêm gan B
VGB là bệnh do virut viêm gan B (HBV) gây ra, sau khi xâm nhập cơ thể, các virut này sẽ gây viêm và tổn thương cho tế bào gan, đưa tới rối loạn các chức năng của gan như tiêu hóa thực phẩm, lọc máu và chống nhiễm trùng. HBV có thể tồn tại trong máu, nước bọt, nước mắt, tinh dịch và dịch âm đạo của người bệnh.
Cấp tính là bệnh khởi phát nhanh. Kéo dài khoảng 6 tháng. 3 tháng sau khi bị nhiễm thì dấu hiệu xuất hiện với nóng sốt, mệt mỏi, đau bụng, kém ăn, nôn ói, phân có màu nhạt, nước tiểu màu đậm, vàng da.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tổng số 35 triệu nhân viên y tế trên thế giới, mỗi năm, 2 triệu người tiếp xúc qua da với bệnh truyền nhiễm. Trong đó, khoảng 40% bị phơi nhiễm viêm gan B, 40% phơi nhiễm viêm gan C, 2,5% phơi nhiễm HIV do tổn thương vì kim đâm.
Mạn tính: Sau khoảng 6 tháng nếu cơ thể vẫn còn virut viêm gan B thì bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính. Thời gian này bệnh hầu như không có biểu hiện. HBV gây tổn thương lâu dài và có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và suy gan.
VGB mạn tính khó phát hiện bằng mắt thường, vì vậy, muốn chẩn đoán cần phải làm xét nghiệm máu và các xét nghiệm chuyên sâu khác nữa.
Những nhóm có yếu tố nguy cơ nhiễm siêu vi viêm gan B
Bệnh do HBV gây ra và rất dễ lây nhiễm bởi những nguyên nhân có thể bị bỏ qua nếu không chú ý như: Lây truyền từ mẹ sang con; Lây truyền qua đường tình dục; Dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ xăm mình; Lây truyền vô tình qua các vết đâm, chọc.
Thực tế cho thấy, các yếu tố nguy cơ có thể gây tổn thương da trong bệnh viện là rất nhiều: tiêm dưới da, mảnh thủy tinh, mũi khâu, kim bướm, mũi khoan, lấy máu... Khả năng nhiễm HBV có thể lên đến 25% đối với nhóm cán bộ y tế bị thương do kim đâm, tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân có HBsAg dương tính.
Điều trị và phòng bệnh thế nào?
Khi phát hiện bản thân mắc VGB cần kịp thời đi khám, chẩn đoán bệnh để được điều trị sớm, đúng cách, triệt để. Điều trị VGB bằng Đông y hoặc Tây y (bằng thuốc uống, thuốc tiêm, liệu pháp truyền ngược tự thân...).
Đối với cán bộ y tế, để phòng bệnh VGB cần rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh. Mang găng tay mỗi khi tiếp xúc với máu và dịch sinh học, niêm mạc, da bị tổn thương của người bệnh và các chất thải của cơ thể. Sử dụng các phương tiện che chắn cá nhân (áo mổ, ủng không thấm nước, khẩu trang, kính mắt bảo vệ). Thực hiện khử khuẩn sơ bộ dụng cụ trước khi xử lý. Hạn chế tiếp xúc với đồ vải bẩn. Không để các vật sắc nhọn lẫn vào đồ vải. Đồ vải bẩn đuợc thu gom và vận chuyển trong bao túi riêng. Với các vật sắc nhọn như kim tiêm sau khi sử dụng được bỏ ngay vào thùng đựng chất thải dành riêng cho vật sắc nhọn. Không để các vật sắc nhọn đã sử dụng lẫn vào các chất thải y tế khác. Không đậy nắp kim tiêm, cắt kim, bẻ gãy hoặc rút kim ra khỏi bơm tiêm trước khi loại bỏ kèm theo bơm tiêm vào thùng thu gom vật sắc nhọn. Khi sử dụng vật sắc nhọn (kim tiêm, dao mổ...) trong các thủ thuật, phẫu thuật chú ý không để xảy ra các tổn thương cho người khác.
Bệnh VGB ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách hay điều trị không triệt để thì từ VGB cấp tính sẽ phát triển thành VGB mạn tính. Do đó, cách phòng bệnh VGB hiệu quả và an toàn mỗi người có thể phòng ngừa, đó là: Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B (đây là cách phòng bệnh an toàn đạt hiệu quả trên 85%); Tình dục an toàn; Không sử dụng chung bàn chải, dao cạo râu, dụng cụ xăm mình với người VGB; Không chạm vào máu của người bệnh VGB; Băng vết máu và vết bầm của người bệnh VGB để tránh tiếp xúc với máu: Tiêm phòng vắc-xin VGB cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.
ThS. Thanh Tùng