Bệnh gai đen có thuốc điều trị?

29-09-2024 09:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh gai đen không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như kháng insulin, đái tháo đường, hoặc rối loạn nội tiết... Việc điều trị tập trung vào giải quyết nguyên nhân gốc rễ và cải thiện triệu chứng ngoài da.

1. Bệnh gai đen là gì?

Bệnh gai đen là một tình trạng bất thường ở da, thường xuất hiện ở các nếp gấp trên da như cổ, nách, đùi trong. Da ở vùng bị ảnh hưởng sẽ dày lên đáng kể, xỉn màu, sần sùi.

Cơ chế gây bệnh thực sự vẫn chưa rõ ràng, nhưng hiện nay người ta cho rằng nó có liên quan đến sự gia tăng lâu dài nồng độ insulin trong máu. Các bệnh khác bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang, các bệnh bất thường về di truyền, khối u ác tính, phản ứng thuốc… Các loại thuốc liên quan bao gồm thuốc tránh thai, corticosteroid, hormone tăng trưởng…

Bệnh gai đen là một tổn thương lành tính, không đau, ngứa và không gây hại cho cơ thể nếu không được điều trị. 

Vì vậy, bản thân tổn thương có cần điều trị hay không nói chung cần xem xét lý do thẩm mỹ, nhưng thực tế nó thường là dấu hiệu cảnh báo của một tình trạng hoặc bệnh lý tiềm ẩn. Mục tiêu điều trị chính là kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn.

Bệnh gai đen có thuốc điều trị?- Ảnh 1.

Bệnh gai đen không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

2. Các lựa chọn để điều trị bệnh gai đen

Bệnh gai đen thường liên quan đến các tình trạng chuyển hóa như béo phì, kháng insulin, hoặc rối loạn hormone. Vì vậy, điều trị chính thường tập trung vào việc kiểm soát nguyên nhân cơ bản. Một số hướng điều trị có thể được áp dụng bao gồm:

- Kiểm soát đường huyết: Đối với người bị đái tháo đường hoặc kháng insulin cần được điều trị để kiểm soát tốt đường huyết.

- Giảm cân: Đối với người béo phì, giảm cân bằng cách ăn kiêng và tập thể dục có thể giúp giảm triệu chứng.

- Điều trị hormone: Nếu gai đen liên quan đến rối loạn hormone (ví dụ hội chứng buồng trứng đa nang), có thể cần điều trị nội tiết tố.

3. Thuốc điều trị

Hiện tại, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh gai đen, vì đây thường là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên, có một số loại thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng và nguyên nhân liên quan. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ bởi bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị và quản lý tác dụng phụ.

3.1. Retinoid tại chỗ

Retinoid tại chỗ được coi là một trong những lựa chọn điều trị đầu tay cho bệnh gai đen. Các sản phẩm chứa retinoids tại chỗ (như tretinoin, adapalene) có thể giúp làm giảm độ dày của da.

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đỏ da, khô da, bong tróc, ngứa. Đây là những biểu hiện phổ biến trong quá trình thích nghi. Nếu tình trạng kích ứng quá mức nên ngừng sử dụng và liên hệ bác sĩ.

Retinoids cũng làm da nhạy cảm với ánh sáng, có thể làm tình trạng thâm da nặng hơn nếu không được bảo vệ kỹ. Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

3.2. Các chất tương tự vitamin D tại chỗ

Calcipotriene, một chất tương tự vitamin D, là một lựa chọn điều trị tại chỗ khác cho bệnh gai đen. Thuốc ức chế sự tăng sinh tế bào sừng. Bằng cách giảm số lượng tế bào sừng, nó có thể giảm thiểu tác động của insulin lên da.

Tác dụng phụ thường gặp của các chất tương tự vitamin D tại chỗ bao gồm kích ứng da, đỏ, hoặc bong tróc, đặc biệt khi sử dụng trên diện rộng. Một số trường hợp hiếm gặp có thể gây tăng nồng độ canxi trong máu nếu sử dụng quá liều.

Bệnh gai đen có thuốc điều trị?- Ảnh 2.

Hiện tại, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh gai đen.

3. 3. Lột da bằng hóa chất

Mặc dù được coi là mỹ phẩm, lột da hóa học bề mặt là một lựa chọn điều trị tương đối an toàn và hiệu quả cho bệnh gai đen. Axit trichloroacetic (TCA) là một chất tẩy tế bào chết hóa học gây ra sự phá hủy lớp biểu bì với sự phục hồi và trẻ hóa sau đó.

3.4. Retinoid uống (isotretinoin và acitretin)

Isotretinoin là retinoid đường uống phổ biến nhất, thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng. Tuy nhiên, nó cũng có thể được sử dụng trong điều trị các rối loạn tăng sinh tế bào da như bệnh gai đen trong một số trường hợp. 

Isotretinoin giảm sự tăng sinh của tế bào sừng, từ đó có thể giúp cải thiện tình trạng dày da và tăng sắc tố trong bệnh gai đen. Tuy nhiên, việc cải thiện đòi hỏi liều lượng lớn và liệu trình kéo dài.

Retinoids đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ. Các tác dụng phụ bao gồm: Khô da, môi và niêm mạc; Rối loạn chức năng gan; Tăng triglyceride máu; Nguy cơ dị tật bẩm sinh; Vấn đề về xương khớp…

3.5. Metformin

Để điều trị bệnh gai đen liên quan đến tình trạng kháng insulin, có thể sử dụng các tác nhân làm tăng nhạy cảm với insulin thông thường như metformin. Metformin làm tăng khả năng đáp ứng insulin ở ngoại vi, dẫn đến giảm sản xuất glucose, tăng insulin máu, cũng như tăng độ nhạy insulin ở những bệnh nhân bị kháng insulin và bệnh gai đen.

Mặc dù metformin là một loại thuốc khá an toàn, nhưng nó vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ: Buồn nôn, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu là các tác dụng phụ thường gặp, đặc biệt khi mới bắt đầu sử dụng thuốc. Nhiễm toan lactic là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng; Sử dụng metformin lâu dài có thể làm giảm hấp thu vitamin B12, do đó cần theo dõi và bổ sung nếu cần thiết.

Sử dụng tia laser là một lựa chọn điều trị thẩm mỹ khác đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện các tổn thương da do bệnh gai đen.

Bệnh gai đen thường là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như kháng insulin, béo phì, rối loạn nội tiết hoặc sử dụng một số loại thuốc. Điều trị bệnh sẽ không hiệu quả nếu không xử lý nguyên nhân gốc. Giảm cân, thay đổi chế độ ăn và tập luyện đều đặn có thể giúp cải thiện kháng insulin, qua đó làm giảm tình trạng bệnh gai đen.

Kiểm soát thừa cân, béo phì bằng cách nào?Kiểm soát thừa cân, béo phì bằng cách nào?

SKĐS - Nhiều quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhằm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng công cụ thuế, một số quốc gia đã chọn cách nâng cao kiến thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh...

Mời xem thêm video được quan tâm:

Béo phì tiền mãn kinh, nguy cơ chị em rất dễ mắc phải.


DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn