Thời gian gần đây trên nách, cổ, bẹn, khoeo chân…của em đột nhiên xuất hiện những mảng da màu nâu thẫm, nâu xám khiến gây mất tự tin trong giao tiếp .Đi khám các bác sĩ nghi ngờ tôi mắc bệnh gai đen.Vậy xin hỏi bệnh này có nguy hiểm?
Dương Thanh (Quảng Ninh)
Bệnh gai đen được biểu lộ ra bên ngoài bằng những mảng da màu nâu thẫm hoặc nâu xám ở các nếp của cơ thể như nách, cổ, bẹn, khoeo chân, rốn, quanh hậu môn hoặc cơ quan sinh dục... Lúc đầu, da vùng bệnh có thể chỉ đổi màu xam xám, nhìn có vẻ như dính bẩn, sau đó da sẽ đen dần lên, sờ thấy sần sùi, nham nhám vì nổi các u nhú và tăng sừng.
Người ta chia làm 5 loại bệnh gai đen, việc phân chia này chủ yếu dựa vào nguyên nhân bệnh gai đen týp 1 là lành tính có tính chất di truyền - nhóm này không kèm xáo trộn về nội tiết, thường tăng lên trong lúc dậy thì và sẽ thoái lui dần theo thời gian. Týp 2 bệnh gai đen lành tính nhưng đi kèm với những xáo trộn về nội tiết như, kháng insulin, đái tháo đường kháng insulin, bệnh Cushing, bệnh to đầu chi hoặc khổng lồ, nhược giáp.Týp 3 là bệnh giả gai đen - đi kèm với béo phì và sự thay đổi của trạng thái béo phì sẽ song hành với diễn biến của gai đen.Càng béo phì, gai đen xuất hiện càng nhiều. Khi kiểm soát được cân nặng, gai đen sẽ giảm. Týp 4 là bệnh gai đen do thuốc - việc dùng các thuốc như axit nicotinic liều cao, stilbestrol ở những người đàn ông trẻ, trị liệu với hormone tăng trưởng, với corticoid... cũng gây ra biểu hiện gai đen. Ở thể này, việc ngưng các thuốc trên sẽ là giải pháp trị liệu chính. Týp 5 là bệnh gai đen ác tính - lúc này gai đen được xem là báo trước cho một khối u ác tính nào đó đã hiện diện trong cơ thể người bệnh, thường là carcinome đường dạ dày - ruột hoặc niệu -sinh dục hoặc ít gặp hơn như là u lympho.
Việc điều trị bệnh gai đen cần kết hợp với trị liệu nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định bôi thuốc. Thời gian điều trị tùy vào việc giải quyết bệnh nội khoa đi kèm (nếu có), độ dày và mức độ lan rộng của thương tổn, nói chung phải điều trị kéo dài và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
Bác sĩ Huỳnh Quang