(Lương Phi Hương - TP.HCM)
Bệnh Duhring - Brocq là bệnh da bọng nước - mụn nước, bệnh liên quan đến bệnh lý ở ruột tăng nhạy cảm với chất gluten, được xếp vào nhóm của các bệnh tự miễn dịch; sang thương đặc trưng là sần - mụn nước, ngứa nhiều, tổn thương phân bố đối xứng trên bề mặt duỗi của cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, mông lưng, da đầu, gáy.
Các nhà khoa học cho rằng, bệnh có một số yếu tố liên quan mật thiết cơ thể tự miễn dịch, như: viêm cầu thận, viêm tuyến giáp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa sụn mạn tính. Bệnh do gluten, một protein có trong ngũ cốc trừ lúa và ngô, được xem như một kháng nguyên ở bệnh nhân; thành phần của gluten có gliadin, chất này liên kết với reticulin là một chất quan trọng ở vùng màng đáy, nó có vai trò làm tăng sự bám dính của màng đáy; chất gliadin còn kết hợp với chất ngoài tế bào làm tăng độ nhớt của mô.
Trong bệnh Duhring - Brocq tăng độ nhớt ngoài tế bào kết hợp với sự khuyếch tán của dịch tổ chức ở nhú bì và dẫn đến hình thành mụn nước gây ra bệnh.
Về triệu chứng, bệnh Duhring - Brocq, bệnh nhân có sốt nhẹ hoặc không sốt, mệt mỏi, sút cân, kém ăn; ở vùng da sắp tổn thương thường có dấu hiệu báo trước là ngứa, sau đó là rát bỏng hoặc đau. Tổn thương thường gặp là mảng nốt sần, sần - mụn nước hay mề đay; vì ngứa nhiều nên bệnh nhân phải gãi, vì thế có thể thấy xước da và nốt sần đóng vảy.Tổn thương mang tính chất đối xứng, vị trí thường gặp là ở mặt gấp cẳng chân, cẳng tay, cánh tay, ở mông, đùi, lưng và bụng, ít gặp ở nách và xương cùng; bệnh nhân cũng thường có tổn thương ở niêm mạc miệng. Bọng nước thường có kích thước to bằng hạt ngô, bên trong chứa dịch màu vàng chanh, có khi bọng nước xuất huyết. Từ 5 - 7 ngày, bọng nước sẽ làm mủ và vỡ ra để lại vết trợt, đóng vảy tiết, vảy mủ. Bệnh tiến triển thành từng đợt, khi tăng khi giảm, có thời gian ổn định nhưng sau lại tái phát. Một số trường hợp bệnh kéo dài suốt đời nhưng bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt lao động bình thường.
Về điều trị, chủ yếu là điều trị tại chỗ, dùng các dung dịch sát khuẩn như xanh metylen hay thuốc tím, thoa vào các tổn thương, với các bóng nước to thì cần dùng kim vô khuẩn chọc rút dịch từ bóng nước trước khi bôi thuốc. Trường hợp bệnh nặng, dùng corticoid bằng đường uống như Medrol 16 mg với liều 2 - 3 viên/ngày, sau đó giảm liều dần trong 4 - 8 tuần; đề phòng nhiễm trùng có thể dùng kháng sinh như Erythromyxin, Sulfapiridin.
Về phòng bệnh, cần có chế độ ăn cần hạn chế ăn thực phẩm có nhiều gluten như gạo, ngô.