Các bệnh lý tim mạch có thể chia thành 2 nhóm chính: Bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu (hoặc liên quan đến xơ vữa) như bệnh động mạch vành, mạch não, mạch ngoại vi, các vi mạch... và bệnh tim mạch không do xơ vữa như bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim liên quan đến nhiễm trùng...
Trong hai nhóm trên, bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa động mạch hiện đang trở thành nhóm bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất và thường gặp nhất trong cộng đồng.
1. Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành có thể được phân chia thành các nhóm như sau:
- Bệnh động mạch vành do xơ vữa: Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh động mạch vành.
- Bệnh động mạch vành không do xơ vữa: Bệnh này thường hiếm gặp.
Các bệnh lý nhóm này bao gồm các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến động mạch vành, dị dạng, rò, sai chỗ xuất phát... Các bệnh viêm nhiễm động mạch vành như bệnh Kawasaki, bệnh tắc động mạch vành do cục tắc từ nơi khác bắn đến, co thắt động mạch vành không liên quan xơ vữa...
Vậy bệnh động mạch vành do xơ vữa thì do nguyên nhân nào gây ra? Câu trả lời đã rõ là không có nguyên nhân cụ thể, mà là hậu quả của các yếu tố nguy cơ tim mạch dẫn đến, có thể là các yếu tố nguy cơ đơn độc, nhưng thường là do nhiều yếu tố nguy cơ phối hợp nhau làm gia tăng bệnh.
2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là các yếu tố đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch. Những nghiên cứu cho thấy, các bệnh tim mạch thường gặp liên quan đến các yếu tố nguy cơ mang tính hành vi như: Hút thuốc lá, chế độ ăn và lười vận động thể lực... Điểm đặc biệt là các yếu tố nguy cơ thường đi cùng nhau và thúc đẩy nhau theo cấp số nhân, dẫn đến khả năng bị bệnh và bị bệnh sớm.
Có thể phân làm 2 nhóm: Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.
2.1. Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được
- Tuổi: Tuổi càng cao nguy cơ càng tăng lên. Ở tuổi 70 trở đi, có đến 15% nam giới và 9% nữ giới có bệnh động mạch vành có triệu chứng và tăng lên 20% ở tuổi 80.
- Giới và tình trạng mãn kinh: Bệnh động mạch vành thường phổ biến và khởi phát sớm hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành ở nữ tăng nhanh sau tuổi mãn kinh và ngang bằng với nam giới sau 65 tuổi, do vai trò của hormone sinh dục. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng bệnh động mạch vành vẫn là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở nữ giới. Tuy nhiên, liệu pháp hormone thay thế không được khuyến cáo trong dự phòng tiên phát xơ vữa động mạch ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Tiền sử gia đình ở bệnh nhân có xơ vữa động mạch: Tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng khi bệnh xơ vữa động mạch xuất hiện ở thế hệ thứ nhất với nam giới trước tuổi 55 và nữ giới trước tuổi 65.
- Yếu tố chủng tộc: Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành theo tuổi ở nhóm người gốc Nam Á cao hơn 50% so với nhóm người da trắng bản địa ở các nước phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn ở nhóm người da đen, bệnh động mạch vành xu hướng gia tăng mạnh ở một số quần thể Đông Á.
2.2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
- Stress tâm lý: Gia tăng căng thẳng trong công việc, ít hỗ trợ xã hội, cuộc sống cô đơn, trầm cảm là các yếu tố quan trọng tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá tăng nguy cơ bệnh động mạch vành xấp xỉ 50% với tỷ lệ tử vong cao hơn 60% (lên đến 85% ở nhóm người nghiện thuốc lá). Hút thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành lên khoảng 25%. Ngừng hút thuốc lá mang lại nhiều lợi ích và cần làm ở mọi bệnh nhân. Các biện pháp cai thuốc lá gồm liệu pháp tâm lý, thuốc thay thế nicotin, hoặc các thuốc khác. Những biện pháp này nằm trong một mô hình thống nhất bởi phòng cai nghiện thuốc lá, giúp tăng tỷ lệ bỏ thuốc lá cao gấp 4 lần.
- Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao đóng góp vào 25 - 49% bệnh động mạch vành ở các nước phát triển. Thừa cân được định nghĩa là BMI từ 23 - 24,9 kg/m2, béo phì là khi BMI ≥ 25 kg/m2. Tỷ lệ béo phì tăng nhanh trên toàn thế giới. Béo trung tâm là tình trạng thừa mỡ ở bụng, xác định bởi tỷ lệ vòng eo hông cao và có mối liên quan chặt chẽ tới bệnh động mạch vành nếu vòng eo > 90 cm ở nam và 80 cm ở nữ. Chế độ ăn và tập luyện nên xem xét hàng đầu ở nhóm bệnh nhân này, cùng với điều trị tích cực đái tháo đường type 2, THA và rối loạn lipid máu nếu có.
- Tình trạng viêm: Xơ vữa động mạch bao gồm quá trình viêm liên tục từ lúc bắt đầu hình thành tổn thương, quá trình tiến triển đến thời điểm biến cố huyết khối cấp tính. Các biện pháp điều trị giảm nguy cơ bệnh mạch vành cũng giúp giảm tình trạng viêm như aspirin và statin. Tuy vậy, các thuốc chống viêm thuần túy chưa chứng minh được vai trò giảm nguy cơ biến cố bệnh động mạch vành.
- Lối sống ít vận động: Sự liên quan giữa ít hoạt động thể chất với tử vong do bệnh tim mạch rất khó ước tính. Tuy nhiên, những người hoạt động thể chất có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn. Tập thể dục thường xuyên, cường độ vừa đến nhiều phải thực hiện ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút, nhưng tần suất và thời gian tập luyện lớn hơn có thể tăng lợi ích.
- Rượu, bia: Người nghiện rượu có liên quan với tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nên hạn chế tối đa việc uống rượu, bia, nếu uống thì số lượng chỉ nên ≤ 2 đơn vị/ngày đối với nam và ≤ 1 đơn vị/ngày với nữ và tổng cộng ≤ 14 đơn vị chuẩn/tuần với nam hoặc ≤ 8 đơn vị chuẩn/tuần với nữ. Không uống nhiều vào một thời điểm. Và 1 đơn vị chuẩn chứa 14g ethanol tinh khiết tương đương với 354 mL bia (5% ethanol) hoặc 150 ml rượu vang (12% ethanol), hoặc 45 ml rượu mạnh (40%)).
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên và bệnh thận mạn tính. Số đo huyết áp tâm thu là chỉ số tiên lượng tốt hơn so với số đo huyết áp tâm trương ở đối tượng bệnh nhân trên 50 tuổi. Tăng huyết áp tâm trương liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở nhóm bệnh nhân dưới 50 tuổi. Điều trị hạ áp đã được chứng minh lợi ích đối với bệnh nhân THA kèm theo bệnh mạch vành. Đích điều trị THA ở bệnh nhân bệnh động mạch vành cần tích cực hơn, tốt nhất dưới 130/80 mmHg.
- Rối loạn lipid máu: Có một mối liên quan liên tục, bền vững, độc lập giữa nồng độ Cholesterol toàn phần (TC) hoặc Cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL- C) với các biến cố tim mạch do xơ vữa.
- Đái tháo đường: Đái tháo đường là một trong các yếu tố nguy cơ tim mạch chính của bệnh lý tim mạch do xơ vữa. Đái tháo đường làm tăng 2 lần biến cố tim mạch (bao gồm bệnh lý động mạch vành, đột quỵ và tử vong chung liên quan tới bệnh lý mạch máu) và độc lập với các yếu tố nguy cơ khác.
3. Những yếu tố nguy cơ ở bệnh xơ vữa động mạch vành
Đánh giá toàn diện các yếu tố nguy cơ tim mạch, đánh giá tổng thể nguy cơ xảy ra các biến cố đích cho mỗi người bệnh là nguyên tắc cơ bản trong tiếp cận, phân tầng, xử trí và dự phòng trong bệnh lý xơ vữa động mạch. Càng có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch và càng nhiều tổn thương cơ quan đích thì nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch càng cao.
Có nhiều hệ thống thang điểm đánh giá nguy cơ tiến triển của xơ vữa động mạch ứng dụng trong tiên lượng và dự phòng tiên phát các biến cố tim mạch. Kinh điển nhất là thang điểm Framingham và thang điểm SCORE của Hội Tim mạch Châu Âu cho phép ước tính nguy cơ bệnh tim mạch gây tử vong trong vòng 10 năm tới với các mức độ rất cao, cao, trung bình hay thấp.
Đối với người Việt Nam, ước tính nguy cơ theo các hệ thống tính điểm thường thấp hơn so với thực tế trên mỗi người cụ thể. Ngoài ra, còn có một số yếu tố giúp đánh giá nguy cơ mắc biến cố tim mạch được áp dụng trên lâm sàng như:
- Điểm vôi hóa động mạch vành trên phim chụp cắt lớp MSCT.
- Định lượng CRP hs.
- Những người có biểu hiện lâm sàng rõ ràng của bệnh xơ vữa động mạch, đã xảy ra biến cố nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, đã tái thông mạch vành/mạch ngoại vi... bắt buộc phải điều trị dự phòng thứ phát, không cần tính mức nguy cơ.
- Tương tự, tính toán mức nguy cơ cũng không áp dụng cho bệnh nhân đái tháo đường, bởi đã có nguy cơ cao của bệnh lý xơ vữa động mạch.
Tóm lại: Ngày nay các biện pháp mới trong chẩn đoán, phát hiện sớm, phân tầng nguy cơ cũng như các tiến bộ trong can thiệp động mạch vành (các loại stent thế hệ mới, thăm dò hình ảnh/chức năng dòng chảy trong lòng động mạch vành, khoan phá mảng xơ vữa...) hoặc phẫu thuật đã giúp cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống. Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị này đã giúp việc chẩn đoán bệnh tim mạch ngày nay không còn là một bản án tử hình.
Các bác sĩ cũng đang cố gắng thay đổi một số quan niệm sai lầm về chế độ ăn ít chất béo. Mối liên hệ giữa chất béo bão hòa, chất béo dạng trans và bệnh lý tim mạch tiếp tục là một chủ đề gây tranh cãi. Tuy vậy, hiện giờ chúng ta đã biết được rằng một số loại chất béo thực ra lại có lợi cho trái tim bạn.
Chất béo không bão hòa giúp giảm lượng Cholesterol không mong muốn và tăng cường sức khỏe hệ tim mạch. Hãy tìm ăn các loại thực phẩm chứa chất béo đơn không bão hòa hoặc chất béo đa không bão hòa, cũng như Acid béo Omega 3. Những nguồn cung cấp chất béo đơn không bão hòa gồm dầu Oliu, dầu vừng, dầu hạt dẻ, còn về chất béo đa không bão hòa là Omega 3, cá, hạt óc chó.
Ngày nay, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về điều trị bệnh động mạch vành để nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Chúng ta cũng hiểu rõ hơn cách giảm thiểu các nguy cơ cho bệnh tim mạch.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19