Anh trai tôi năm nay 42 tuổi, thời gian vừa qua đột nhiên thấy chân to ra, người mệt mỏi, ăn uống kém, đi khám tại Viện Nhiệt đới được chẩn đoán phù chân voi do nhiễm giun chỉ. Tôi xin hỏi cách dự phòng bệnh này?
Hồ Mai (Hải Dương)
Bệnh giun chỉ Wuchereria bancrofti có biểu hiện lâm sàng phong phú, tùy thuộc vào từng thời kỳ.
Thời kỳ ủ bệnh từ 3-18 tháng, có những triệu chứng quá mẫn, viêm hạch bạch huyết cục bộ, nhẹ, không tồn tại lâu, bệnh nhân nghỉ ngơi, các triệu chứng tự hết.
Thời kỳ toàn phát chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là dị ứng toàn thân, sốt, phát ban, phù cục bộ. Có thể có tổn thương ở phổi với cơn ho đột ngột tái phát về đêm, đôi khi kèm theo nhược cơ, gan, lách sưng to. Nếu không được điều trị sẽ tiến tới tái phát, xơ hoá phổi mạn tính.
- Giai đoạn tiếp theo xuất hiện sau 2-7 năm bị nhiễm bệnh. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là giãn mạch bạch huyết dưới da và ở sâu do ống ngực bị tắc. Ngoài ra còn có thể gây tắc bạch mạch ở các cơ quan như thận, bể thận, bàng quang, màng bụng, cơ quan sinh dục... gây ra tình trạng phù nề, tràn dịch và có thể gây vỡ vào tổ chức xung quanh.
- Giai đoạn cuối: Biểu hiện tắc nghẽn bạch mạch, phù voi ở các bộ phận của cơ thể. Mức độ phù voi rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng, thường gặp nhất ở chân, ở bộ phận sinh dục, bìu (nam giới), âm hộ, vú (nữ giới), cũng có thể phù ở các bộ phận khác như ở chi trên. Ở cơ quan bị phù voi lâu dần tổ chức liên kết tăng sinh, trở thành cứng, dày, tuần hoàn đến nơi đó thiếu hụt, gây những viêm loét, thiểu dưỡng.
Về điều trị, hiện tại diethyl carbamazin vẫn được khuyến cáo để điều trị hàng loạt, điều trị chọn lọc bệnh giun chỉ ở các vùng lưu hành; khi đã có biểu hiện phù voi thì cần được điều trị ngoại khoa. Phòng bệnh giun chỉ: Đây là bệnh lây truyền qua muỗi đốt, do vậy cần tuyên truyền các biện pháp phòng chống muỗi, diệt bọ gậy, giữ gìn vệ sinh môi trường.
BS. Nguyễn Bạch Đằng