Bệnh do amíp

18-06-2012 07:28 | Y học 360
google news

Thời tiết nắng nóng, sau lũ lụt, tạo điều kiện cho ruồi nhặng phát triển và mang amíp gieo rắc khắp nơi. Lỵ amíp là tình trạng nhiễm trùng ở đại tràng do Entamoeba histolitica.

(SKDS) – Thời tiết nắng nóng, sau lũ lụt, tạo điều kiện cho ruồi nhặng phát triển và mang amíp gieo rắc khắp nơi. Lỵ amíp là tình trạng nhiễm trùng ở đại tràng do Entamoeba histolitica. Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới với tỷ lệ 10%. Ở Việt Nam, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh có nơi lên đến 25%. Bệnh gây  tổn thương là những vết loét nhỏ trong lòng ruột và biểu hiện bên ngoài bằng hội chứng lỵ và có thể gây áp xe gan, não …

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh lây qua đường tiêu hóa do thức ăn, nước uống bị nhiễm kén amíp hoặc do ruồi nhặng mang mầm bệnh làm ô nhiễm thực phẩm. Kén amíp tồn tại ở ngoại cảnh tương đối tốt, ở nhiệt độ 17-20oC, chúng tồn tại hàng tháng, tuy nhiên ở nhiệt độ 85oC kén chết sau vài giây. Bào nang amip có sức đề kháng với hóa chất tương đối cao, do đó việc diệt bào nang amíp trong nước là một vấn đề khó. Dùng clor hoặc iod đến mức có thể diệt được bào nang thì nước không thể uống được. Nhiễm ký sinh trùng không nhất thiết là bị bệnh, có nhiều người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng lâm sàng.  Như vậy nguồn lây có thể là người bệnh và người lành mang ký sinh trùng amíp.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm amíp, nhưng có tới 90% không có biểu hiện triệu chứng gì và chỉ có 10% có biểu hiện bệnh lỵ amíp hoặc áp xe gan amíp, áp xe não amíp. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất từ 20 đến 30. Bệnh lỵ có hai loại là lỵ amíp và lỵ trực khuẩn. Cần phân biệt rõ sự khác biệt của hai loại bệnh lỵ này để phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp.

 Hình ảnh áp xe gan do amip.

Biểu hiện bệnh

Đối với bệnh lỵ amíp: Thời gian nung bệnh có thể kéo dài từ 1-2 tuần cho tới 3 tháng. Bệnh khởi phát có thể từ từ hoặc cấp tính, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng… Thường không sốt hoặc sốt nhẹ. Thời kỳ toàn phát, bệnh biểu hiện với 3 triệu chứng chủ yếu là: Đau quặn bụng; Mót rặn, đi ngoài “giả” (tức là bệnh nhân mót rặn, buồn đi đại tiện nhưng lại không có phân); Đi ngoài nhiều lần, phân nhầy, lẫn máu.

 Thể cấp tính: Thường gặp là những hội chứng lỵ, bao gồm đau bụng, mót rặn và đại tiện phân nhầy máu. Đau bụng quặn từng cơn, đau dọc theo khung đại tràng trước khi đi đại tiện, đau buốt hậu môn kèm cảm giác mót rặn  dữ dội. Đại tiện phân nhày máu, đôi khi xen kẽ với tiêu chảy, mỗi lần đi tiêu ít phân, nhưng đi nhiều lần trong ngày. Nếu ở thể nhẹ thì đại tiện phân nhầy máu vài lần mỗi ngày, ít mệt mỏi, thể trung bình, bệnh nhân mệt nhiều, đại tiện khoảng 5-15 lần mỗi ngày, thể nặng, bệnh nhân suy kiệt, mất nước, rối loạn chất điện giải, bụng chướng, cảm giác mót rặn và đau bụng nhiều, đại tiện phân nhầy  máu >15 lần/ngày.

Thể bán cấp: Bệnh nhân đau bụng ít, tiêu chảy phân lỏng ít nhày nhớt, ít khi có cảm giác mót rặn, đôi khi có táo bón.

Thể mạn tính: Sau giai đoạn cấp tính hay bán cấp, bệnh trở thành mạn tính với nhiều đợt bệnh cách nhau. Lúc này chức năng đại tràng không còn nữa, triệu chứng bệnh giống như viêm đại tràng mạn. Đau bụng lâm râm, liên tục và rối loạn tiêu hóa, thường là tiêu chảy, đầy hơi, ăn không tiêu đối với một số thức ăn, bệnh nhân suy nhược, biếng ăn, sụt cân.

Trường hợp xảy ra trên những bệnh suy nhược, kém dinh dưỡng, kết hợp với một bệnh ký sinh trùng khác hoặc với một bệnh nhiễm khuẩn đường ruột như thương hàn, lỵ trực trùng hoặc tụ cầu trùng thì bệnh cảnh sẽ rất nặng nề. Bệnh thể hiện bằng hội chứng lỵ kịch liệt: cơ thắt hậu môn mở rộng, phân có máu và nhày tự nhiên chảy ra... Mặc dù điều trị cấp tốc nhưng tiên lượng không tốt, người bệnh thường chết vì sốc. Bệnh lỵ amíp có thể gây ra các biến chứng như: thủng ruột gây viêm phúc mạc; chảy máu ruột; polip đại tràng; sa niêm mạc trực tràng; viêm ruột thừa do amíp... Hay gặp là viêm gan hoặc áp-xe gan do amíp; viêm phổi - màng phổi hoặc áp-xe phổi do amíp; áp-xe não do amíp... Đây là những biến chứng  rất nặng, phải được khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên tắc điều trị

Thuốc diệt amíp có khả năng khuếch tán trong mô, theo máu vào đến tận trong các mô và diệt amíp ăn hồng cầu tại nơi đó. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ ra y lệnh điều trị bằng một hay phối hợp các loại thuốc sau:

Emetine, là thuốc diệt amíp khá hữu hiệu.  Emetine: chiết xuất từ cây Ipeca, dạng clorhydrate dùng trong 10 ngày liên tiếp. Thời gian giữa hai đợt điều trị là 45 ngày. Emetine có thể gây các tác dụng phụ như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, đau vùng trước tim; đôi khi có viêm dây thần kinh cảm giác, vận động; rối loạn nhịp tim. Vì vậy khi dùng Emetine bệnh nhân cần được nhập viện để nghỉ ngơi, theo dõi các tác dụng có hại để xử lý kịp thời. Cần phối hợp với sinh tố B1 và strychnin hoặc dùng emetine dưới dạng campho-sulfonat. Dehydroemetin: ít độc và thải trừ nhanh hơn emetin. Dehydro - emetine: là emetine tổng hợp, có hiệu lực hơn và được bài tiết nhanh, ít độc hơn. Liều dùng giống emetine, thuốc có dạng viên uống.

Metronidazole (flagyl): tác dụng tương đương với 2- dehydro- emetine, tác dụng vào mô gan;.  Cùng họ với thuốc này còn có secnidazole, nimorazole, tinidazole, ornidazole.
 Thuốc tác dụng trực tiếp trong lòng đại tràng: tác dụng với thể amíp không ăn hồng cầu:
Metronidaxole và 2 - dehydro - emetine dưới dạng uống.

Ngoài ra còn có thể sử dụng các dẫn xuất của arsenic: Difetarsone, stovarsol; các chất oxyquinoleine: diiodohydro-quinoleine (direxiode).
chloroiodoquine (enterovioforme), có thể gây tai biến ở thần kinh mắt, do đó cần dùng từng đợt ngắn. Cần dùng thêm tetracycline, thuốc chống co thắt, an thần.

 Rau quả tươi phải rửa thật sạch trước khi ăn để tiêu diệt amip

Phòng bệnh

Nguồn bệnh chủ yếu là người bị bệnh và người lành mang trùng (người bị nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện), thải kén amíp theo phân gây ô nhiễm thực phẩm và nước uống.

Vì bệnh lây qua đường tiêu hóa nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống sôi; vệ sinh môi trường tốt, xử lý phân hợp vệ sinh; tuyệt đối không dùng phân tươi để bón rau. Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch dưới vòi nước hoặc ngâm kỹ có thuốc sát trùng hoặc xử lý bằng tia cực tím (máy rửa rau quả) để tiêu diệt kén amíp. Mầm bệnh còn do tay bẩn, bào nang dính dưới móng tay, từ đấy đưa vào miệng.
 Vì vậy cần đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm.
 Vệ sinh phòng bệnh: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Xét nghiệm thăm dò, điều trị người lành mang bào nang, đặc biệt ở nơi sống tập thể và nơi phục vụ ăn uống. Nếu xét nghiệm dương tính, dùng thuốc, hoặc chuyển đổi công việc...
Tuyên truyền giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm. Thật sự thì vấn đề phòng chống bệnh amíp phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế và trình độ giáo dục, ý thức của cộng đồng.

Nếu điều trị nghiêm chỉnh bệnh sẽ lành nhanh không để lại một di chứng nào. Không điều trị hoặc điều trị không nghiêm túc bệnh sẽ chuyển biến xấu. Cơn cấp tính ban đầu có vẻ giảm đi nhưng sau đó sẽ có thể trở thành mạn tính, bệnh sẽ có biến chứng và để lại những hậu quả (chảy máu ruột, thủng ruột), cũng có thể di căn (áp xe gan amíp)
Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời bằng các thuốc chống amíp hoặc các trường hợp bị áp-xe phải được kết hợp điều trị ngoại khoa thông qua chọc hút hoặc phẫu thuật khi ổ áp-xe quá to.

BS. Bùi Hiền


Ý kiến của bạn