Người nhiễm HIV có nhiều nguy cơ mắc đậu mùa khỉ
Theo TS.BS Vũ Quốc Đạt (Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), các đối tượng có suy giảm miễn dịch (người mắc HIV) là đối tượng có nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ. Thế nhưng ở Việt Nam, những ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên lại không phải những người nhiễm HIV. Có nghĩa rằng bất kỳ ai đều có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ thông qua các lây nhiễm tiếp xúc với người bệnh.
Tuy nhiên, thông qua thống kê các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ cho thấy đa phần các trường hợp bị mắc bệnh đều là những người thuộc nhóm có nguy cơ bao gồm:
Những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) Những người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV
Tình trạng suy giảm miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc với người bệnh. Hơn nữa khi mắc bệnh thường các triệu chứng sẽ nặng hơn so với người có thể trạng bình thường.
Nếu với người có thể trạng bình thường, bệnh có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 21 ngày, tuy nhiên với đối tượng trên khi mắc thêm bệnh đậu mùa khỉ sẽ làm tăng thêm tình trạng bệnh và khiến người bệnh có nguy cơ tử vong. Trên thực tế, đã ghi nhận những trường hợp người mắc HIV tử vong do đồng mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có nguy cơ lây nhiễm rất cao với một số nhóm đối tượng nhất là thông qua quan hệ tình dục. Nhiều người cho rằng việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục có thể ngăn chặn nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp giảm một phần nguy cơ lây nhiễm. Bởi đậu mùa khỉ còn có thể lây qua đường tiếp xúc với da và niêm mạc.
Triệu chứng và những biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ
Hiện nay nước ta đang ở giai đoạn đầu của bệnh đậu mùa khỉ vì vậy khả năng phân biệt đậu mùa khỉ với một số bệnh lý khác tương đối khó, nhất là với những người không có nguy cơ lây bệnh.
Khi virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như:
- Sốt, triệu chứng này thường xuất hiện thường xuyên
- Đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng
- Cảm thấy ớn lạnh
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải…
- Sưng hạch bạch huyết
Ở giai đoạn tiếp theo cơ thể sẽ xuất hiện các nốt phát ban tập trung ở mặt, mắt, miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục… Các mụn nước sưng to, mưng mủ sau đó sẽ khô lại, đóng vảy sau vài ngày và mọc lớp da mới tại vị trí vết tổn thương.
Để phòng ngừa đậu mùa khỉ, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Khai báo y tế, thông tin nếu tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh,
- Cách ly với nguồn mắc
- Vệ sinh tay chân bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng
- Thực hiện các biện pháp phòng bệnh qua đường hô hấp khác …
Đặc biệt với các nhóm có nguy cơ cao, cần cẩn trọng thưc hiện các biện pháp phòng ngừa và khi có dấu hiệu nghi mắc cần tới ngay cơ sở điều trị để được chẩn đoán và điều trị, cách ly nếu mắc bệnh.
Tính đến 19/11, TPHCM ghi nhận 63 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ (tính từ giữa tháng 9 đến nay) trong đó tất cả các ca bệnh là nam. Trong các ca mắc có 70% trường hợp là quan hệ tình dục đồng giới và có tới 60% là người nhiễm HIV.