Chiều 3/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, tránh lãng phí
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực y tế về tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Thông tin về tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh, Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu công tác tiêm phòng đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí vaccine.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, tính đến ngày 3/8/2022, số người đã tiêm vaccine mũi 4 trên toàn quốc là 9.803.399 mũi tiêm, đạt 50,6%, trong đó có 9 tỉnh đạt tỷ lệ trên 80% (có 3 tỉnh đạt tỷ lệ cao nhất là Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long), có 29 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 50%;
Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tính đến ngày 3/8 mũi 1 đạt tỷ lệ 70%, mũi 2 đạt 38,5%. Theo tính toán của các cơ quan ngành y tế thì tốc độ tiêm vaccine nửa cuối tháng 7 tăng hơn 30% so với nửa đầu tháng 7.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để tăng cường tốc độ tiêm chủng và đạt mục tiêu đề ra, các giải pháp trong thời gian tới đó là, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và Công điện số 664/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
Có kế hoạch bài bản để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Liên quan đến đánh giá nguy cơ xâm nhập bệnh đầu mùa khỉ, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.
Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 21 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận, nhưng nguy cơ xâm nhập vào là hoàn toàn có thể bởi dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều quốc gia. Đặc biệt một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam với chính sách mở cửa, thì sự giao lưu, đi lại… đây là một trong những lý do dịch bệnh có thể xâm nhập vào.
Để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, ngay từ tháng 5/2022, Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các địa phương xây dựng các biện pháp phòng, chống; Liên tục liên hệ với các tổ chức quốc tế như: WHO, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, các cơ quan đầu mối để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh.
Ngay sau khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ đã tổ chức ngay cuộc họp vào ngày 24/7/2022 với Bộ NNPTNT, các chuyên gia để thảo luận và đưa ra các biện pháp phòng, chống.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã kích hoạt văn phòng đáp ứng khẩn cấp tổ chức tập huấn, hướng dẫn, điều trị, giám sát bệnh; Thủ tướng cũng đã ban hành Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Trong Công điện đã nêu rõ các biện pháp phòng, chống bệnh theo khuyến cáo của WHO.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trưa 2/8: Phó Thủ Tướng Yêu Cầu Điều Tra Khẩn Vụ Cháy Quán Karaoke Khiến 3 Chiến Sĩ Hy Sinh | SKĐS