Hà Nội

Bệnh đái tháo đường thai kỳ

01-05-2015 07:29 | Y học 360
google news

SKĐS - Có khoảng 5-6% các phụ nữ mang thai ở Việt Nam bị đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ. Những người có nguy cơ cao bị ĐTĐ thai kỳ gồm phụ nữ tuổi trên 35, béo phì trước khi mang thai,

Có khoảng 5-6% các phụ nữ mang thai ở Việt Nam bị đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ. Những người có nguy cơ cao bị ĐTĐ thai kỳ gồm phụ nữ tuổi trên 35, béo phì trước khi mang thai, đã bị ĐTĐ thai kỳ ở lần mang thai trước, có đường trong nước tiểu, có bố mẹ và/hoặc anh chi em ruột bị ĐTĐ.

Các nguy cơ cho mẹ và trẻ sơ sinh

Nguy cơ cho mẹ

Các biến chứng trong thời gian mang thai: nhiễm toan máu đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi, đa ối, sinh non. Các biến chứng lâu dài sau sinh: trở thành đái tháo đường vĩnh viễn, dễ bị mắc các bệnh lý tim mạch hoặc béo phì sau sinh.

Nguy cơ cho thai nhi và trẻ sơ sinh

Các nguy cơ cho thai: các dị tật bẩm sinh (hay gặp là vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy, các dị tật thần kinh khác, dị tật tim, dị tật thận, không có hậu môn); đa ối; thai to trên 4.000g; thai chậm phát triển trong tử cung liên quan đến sự kém tưới máu của tử cung và rau thai; thai chết lưu.

Một số nguy cơ ở trẻ sơ sinh: hội chứng suy hô hấp cấp: con của những bệnh nhân không được kiểm soát đường máu tốt có nguy cơ cao bị hội chứng suy hô hấp cấp; hạ đường máu với các triệu chứng: trẻ bị hôn mê hơn là kích thích, và hạ đường máu có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật; hạ calci máu, tăng bilirubin máu; đa hồng cầu và ăn kém.

Ai cần kiểm tra ĐTĐ thai kỳ?

Tất cả các phụ nữ có thai cần được đánh giá nguy cơ bị đái tháo đường ở lần khám thai đầu tiên. Chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết tùy thuộc mức độ nguy cơ của sản phụ. Chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết sớm hơn khi: BMI >25 (BMI = Cân nặng (kg)/(Chiều cao(m)* (chiều cao (m); tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ ở lần có thai trước; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; tiền sử đẻ con trên 4kg; đa ối; cân nặng thai to hơn so với tuần tuổi của lần mang thai hiện tại; có đường niệu. Nếu kết quả bình thường thì nên làm lại lần thứ 2 ở tuần 24-28 của thai kỳ. Những trường hợp sản phụ không nằm ở nhóm nguy cơ trên sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ.

Lưu ý trước khi làm nghiệm pháp tăng đường huyết cho sản phụ?

Không làm nghiệm pháp khi đang bị bệnh cấp tính (nhiễm trùng tai mũi họng, tiết niệu, stress…); ba ngày trước ngày làm nghiệm pháp không ăn chế độ kiêng, cần thiết ăn chế độ ăn giàu carbonhydrat khoảng 150-200g/ngày ít nhất 3 ngày; không vận động quá sức trước ngày làm nghiệm pháp (tập thể dục); nghiệm pháp làm vào buổi sáng sớm sau khi bệnh nhân nhịn đói khoảng 8-14h (Nhịn ăn từ 20h tối trước ngày làm nghiệm pháp và đến phòng khám trước 8h sáng); thời gian tiến hành nghiệm pháp là 120 phút. Trong lúc làm nghiệm pháp sản phụ nghỉ ngơi tại chỗ, không được ăn.

Điều trị ĐTĐ thai kỳ

Kiểm soát đường huyết ổn định đóng vai trò quan trọng trong điều trị ĐTĐ thai kỳ. Cần tuân thủ tốt chế độ ăn và luyện tập trong quá trình theo dõi và điều trị; chế độ ăn giảm các loại đường hấp thu nhanh như đường sữa bánh kẹo, hoa quả ngọt. Các thức ăn dạng tinh bột cần hạn chế như cơm, xôi, bánh chưng… Chia nhỏ bữa ăn. Đảm bảo ăn đủ chất dinh dưỡng nhiều chất xơ; Tăng cường đi bộ sau ăn là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm tình trạng kháng insulin đặc biệt ở những thai phụ béo phì trước mang thai. Cần hỏi ý kiến của các bác sĩ sản khoa trước khi luyện tập; Theo dõi đường huyết lúc đói và sau ăn 1h hoặc 2h.

PGS.TS. Nguyễn Khoa Diệu Vân

 

Cách phòng ngừa ĐTĐ thai kỳ

Cần kiểm tra, theo dõi sớm ĐTĐ thai kỳ đặc biệt ở người có yếu tố nguy cơ cao như kể trên; Tăng cường luyện tập và nên giữ cân nặng bình thường trước khi sinh; Bổ sung đầy đủ các vi chất trước và ngay khi bắt đầu có thai đặc biệt là DHA và EPA đã được chứng minh trên lâm sàng giúp sản phụ giảm tình trạng kháng insulin.

Cách theo dõi sản phụ bị ĐTĐ thai kỳ sau sinh:

Tất cả các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ sau khi sinh và ĐTĐ ở phụ nữ có thai nên được khuyến khích cho con bú. Khuyến cáo nên thay đổi lối sống để làm giảm đề kháng insulin, duy trì cân nặng bình thường…; Tránh dùng các thuốc làm tăng đề kháng insulin nếu có thể như glucocorticoid, acid nicotinic…; Nên đi khám ngay nếu thấy có triệu chứng của tăng đường huyết như khát nước, đái nhiều; Cần làm test dung nạp glucose với 75g trong 2 giờ sau khi đẻ 6-12 tuần tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa. Nếu kết quả nghiệm pháp bình thường thì nên làm lại sau mỗi 3 năm.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn