Bệnh đái tháo đường: Hiểu đúng để kiểm soát tốt hơn

20-12-2014 14:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh đái tháo đường không phải do thức ăn hay ăn quá nhiều đồ ngọt gây ra và cũng không lây truyền; bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do thói quen ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, yếu tố di truyền, môi trường.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) xảy ra khi nào?

Đường glucose là một loại nhiên liệu được các tế bào trong cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng hoạt động và làm cho chúng ta thấy khỏe khoắn; insulin là nội tiết tố do tụy sản xuất giữ vai trò quan trọng, giúp cho đường glucose từ máu đi vào các tế bào và kiểm soát hay làm giảm nồng độ glucose (đường huyết) trong máu. Bệnh ĐTĐ là tình trạng đường trong máu tăng cao, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất ra đủ insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả, khiến glucose không được hấp thụ vào tế bào trở nên dư thừa trong máu.

Đi tìm nguyên nhân và nhận diện triệu chứng

Bệnh ĐTĐ không phải do thức ăn hay ăn quá nhiều đồ ngọt gây ra và cũng không lây truyền; bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do thói quen ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, yếu tố di truyền, môi trường. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, có thể chỉ là mệt mỏi, khát nhiều, tiểu nhiều. Vì vậy, bệnh thường chỉ phát hiện khi đã có biến chứng và đó là lý do tại sao đái tháo đường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Các biến chứng của bệnh do tổn thương các mạch máu nhỏ dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tắc hoặc vỡ mạch máu võng mạc gây mù đột ngột, loét chân không lành phải đoạn chi, suy thận mạn, rối loạn chức năng cương dương ở nam giới...

Phạm vi và đối tượng ảnh hưởng của bệnh ĐTĐ

ĐTĐ là bệnh phổ biến xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn, cả nam lẫn nữ. Những người bị bệnh ĐTĐ týp (loại) 1 hay bệnh ĐTĐ vị thành niên hoặc bệnh đái tháo đường trẻ em thường dưới 20 tuổi, chiếm khoảng 15% trong số tất cả bệnh ĐTĐ; bệnh ĐTĐ týp 2 được tìm thấy ở những người trưởng thành thừa cân do ít vận động, không tập thể dục, nên thường còn gọi là bệnh lối sống, chiếm khoảng 90% các trường hợp bệnh ĐTĐ; bệnh ĐTĐ thai kỳ (týp 3) xảy ra ở một số phụ nữ mang thai, có thể gây ra các vấn đề cho thai phụ và thai nhi cũng như có nhiều khả năng phát triển thành bệnh ĐTĐ týp 2 sau này.

Bệnh ĐTĐ không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời còn là gánh nặng cho ngân sách y tế của nhiều quốc gia. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), trong năm 2013 thế giới có khoảng 382 triệu người bị bệnh ĐTĐ, chiếm 8.3% số người trưởng thành và 80% trong số này sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Nội tiết Trung Ương, vào những năm 90, tỉ lệ ĐTĐ tại Hà Nội là 1,2% và TP.HCM là 2,52%, con số này thay đổi thành 5,7% tại các thành phố lớn vào năm 2012, tương ứng với khoảng hơn 5 triệu bệnh nhân trên dân số 90 triệu người. Những khu vực như: miền Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, miền Tây Nam Bộ, tỉ lệ này còn lên đến 6,0%, 6,4% và 7,2% tuần tự.

Cách kiểm soát bệnh đái tháo đường

Ăn uống chừng mực hợp lý, cân bằng, tránh các thực phẩm chứa nhiềutinh bột. Không nhất thiết phải từ bỏ đồ ngọt, lưu ý, ăn chay không phải là chế độ ăn phù hợp với người ĐTĐ vì thông thường chế độ ăn này có nhiều tinh bột. Việc ăn uống kiêng khem quá độ có thể nguy hiểm đối với người bệnh ĐTĐ đang điều trị với thuốc, đặc biệt là đang tiêm insulin vì có thể gây nên tình trạng hạ đường huyết là một biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không xử trí kịp.

Tập thể dục thể thao hoặc vận động thể lực thường xuyên, giúp giảm cân và tăng khả năng tiếp nhận insulin ở các mô tế bào do đó giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Thường xuyên theo dõi đường huyết để giúp điều chỉnh chế độ ăn phù hợp và cung cấp thông tin cho bác sĩ đánh giá tình trạng đáp ứng thuốc để kịp thời điều chỉnh liều lượng, giúp việc điều trị đạt hiệu quả. Ngoài ra, việc theo dõi đường huyết thường xuyên còn giúp phát hiện kịp thời tình trạng hạ đường huyết để xử trí kịp thời. Theo dõi đường huyết nên được thực hiện nhiều lần trong ngày, trước, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Thụy Nhi (ghi)

 


Ý kiến của bạn