Hà Nội

Bệnh đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết, phân loại và điều trị

23-10-2021 06:30 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết. Theo thống kê, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tới 60 - 70% các bệnh về nội tiết nói chung, gây nhiều biến chứng.

Chìa khóa để có sức khỏe tốt hơn với người bệnh đái tháo đườngChìa khóa để có sức khỏe tốt hơn với người bệnh đái tháo đường

SKĐS - Một nghiên cứu mới xác nhận rằng, chế độ ăn nhiều rau tươi, trái cây và chất xơ sẽ giúp người bệnh đái tháo đường có được sức khỏe tốt hơn.

Tại Việt Nam, người mắc đái tháo đường có tỉ lệ ngày càng tăng và có tới 50% người mắc đái tháo đường không biết mình bị bệnh. Ngoài ra, một số người mắc đái tháo đường còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hóa chất…

Tăng đường huyết mạn tính thường đi kèm với tổn thương lâu dài ở các cơ quan như mắt, thận, thần kinh và mạch máu.

1. Phân loại đái tháo đường

Đái tháo đường có 2 dạng chính, đó là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

Bệnh đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết, phân loại và điều trị - Ảnh 2.

Đái tháo đường có 2 dạng chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

- Đái tháo đường type 1 là đái tháo đường lệ thuộc insulin hay gặp ở người trẻ tuổi. Là một tình trạng rối loạn chuyển hoá. Đái tháo đường type 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê.

- Đái tháo đường type 2 không lệ thuộc insulin. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam, bệnh hay mắc ở người béo. Đây là thể bệnh nhiều người mắc, có tới hơn 90% số người bị đái tháo đường thuộc type 2.

- Đái tháo đường thai kỳ thường gặp ở phụ nữ mang thai, xảy ra khi một phụ nữ chưa hề mặc bệnh đái tháo đường nhưng trong khi mang thai lại có nồng độ đường trong máu cao.

2. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường

Hiện chưa xác định được nguyên nhân đái tháo đường. Ở đái tháo đường type 1, các nghiên cứu cho rằng có thể là do nguyên nhân kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường. Nhưng rất có thể có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 1 nếu gia đình có mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh type 1.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể do hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Điều này khiến cơ thể có ít hoặc không có insulin. Khi đó, lượng đường thay vì chuyển đến các tế bào lại tích lũy trong máu, gây ra bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, các yếu tố môi trường gây ra, mặc dù các yếu tố chính xác gây bệnh vẫn chưa rõ.

Tương tự, nguyên nhân gây bệnh đối với đái tháo đường type 2 cũng chưa được xác định rõ ràng. Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng yếu tố di truyền và môi trường đóng một vai trò trong việc gây ra bệnh tiểu đường type 2.

Béo phì, thừa cân có liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường type 2, tuy nhiên không phải ai mắc bệnh đái đường type 2 đều thừa cân.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường

Khi mắc đái tháo đường ở type 1 hoặc type 2, các biểu hiện các triệu chứng thường gặp như: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân.

Ngoài ra, người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi... Nếu bệnh nhân không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng.

4. Những ai dễ mắc bệnh đái tháo đường?

Khác với đái tháo đường type 1 và đái tháo đường thai kỳ hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân. Đối với đái tháo đường type 2 có những yếu tố nguy cơ sau:

‎- Yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được bao gồm thừa cân béo phì, người ít hoạt động thể lực. Người mắc một số bệnh tăng huyết áp, tiền đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn đường huyết lúc mang thai.

- Đối với các yếu tố nguy cơ không can thiệp được bao gồm người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình từng có người bị đái tháo đường.

5. Xác định chẩn đoán đái tháo đường

Để xác định có mắc đái tháo đường hay không cần phải khám và các chỉ số xét nghiệm đường huyết lúc đói (sau 8 giờ nhịn đói) để biết được chính xác tình trạng đường huyết của mình. Sau đó dựa vào trị số đường huyết các bác sĩ sẽ kết luận có mắc đái tháo đường hay không.

Bệnh đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết, phân loại và điều trị - Ảnh 3.

Để xác định có mắc đái tháo đường hay không cần phải khám và các chỉ số xét nghiệm đường huyết lúc đói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của hội đái tháo đường Mỹ (ADA) thì bệnh nhân bị đái tháo đường khi có 1 trong 4 chỉ số sau:

  • HbA1C > 6,5%.
  • Glucose khi đói >7,0 mmol/l.
  • Khi làm nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống có chỉ số Glucose/2h > 11,1 mmol/l.
  • Glucose máu ngẫu nhiên > 11,1 mmol/l kèm theo các triệu chứng cổ điển của bệnh đái tháo đường.

Điều đặc biệt lưu ý bệnh nhân cần làm các xét nghiệm trên khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi thấy có một trong các triệu chứng của bệnh đái tháo đường. Trước khi khám chẩn đoán bệnh, làm xét nghiệm người bệnh cần nhịn ăn trước đó ít nhất 8 đến 10 giờ.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, nếu ở mức glucose máu khi đói từ 6,4-7,0 mmol/l là giai đoạn tiềm tàng của đái tháo đường. Bên cạnh đó, cần làm thêm các xét nghiệm về lipid máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, chức năng thận, khám chuyên khoa mắt, chụp X-quang phổi... để phát hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

‎ 6. Điều trị đái tháo đường như thế nào?

Bệnh đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết, phân loại và điều trị - Ảnh 6.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng do vậy người bệnh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho phù hợp.

- Về sinh hoạt, người bệnh đái tháo đường tăng cường vận động, mỗi ngày nên dành thời gian đi bộ, tập thể dục, ngoài ra có thể chơi các môn thể thao phù hợp với sức khoẻ.

- Bệnh đái tháo đường là rối loạn chuyển hoá, do đó người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn uống hợp lý theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ cần ăn kiêng hoa quả ngọt, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, không uống các đồ uống có cồn...

- Mục tiêu điều trị của bệnh đái tháo đường là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, phát hiện sớm các biến chứng nhằm giúp bệnh nhân ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng của đái tháo đường. Do đó, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên bằng cách đi khám bệnh định kỳ, tuân thủ theo chế độ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc theo mách bảo tránh hệ lụy đến sức khỏe.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Lối sống lành mạnh.

TS.BS. Bùi Văn Tân
Ý kiến của bạn