Xin giấu tên
Đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa, trước hết, cần hiểu rõ về chuyển hóa chất glucose trong máu ở người bình thường như thế nào. Glucose có trong thức ăn khi đến dạ dày sẽ ngấm qua thành ruột vào máu làm tăng glucose trong máu. Khi đó, tuyến tụy sẽ tiết ra một chất tên là insulin, gọi nôm na là chìa khóa, có tác dụng giúp đưa glucose vào trong các tế bào (chủ yếu tế bào gan, tế bào cơ và tế bào mỡ) tạm gọi là các kho để sử dụng hoặc dự trữ.
Như vậy, đái tháo đường phát sinh từ 1 trong 2 tình huống sau: Không có chất insulin tức là không có chìa khóa để mở kho nên glucose sẽ tăng cao trong máu. Đây là trường hợp đái tháo đường type 1 (chiếm 5%). Và các tế bào không sử dụng hết glucose tức là ổ khóa bị hư khó mở có thể kèm theo giảm tiết insulin một phần. Đây là trường hợp đái tháo đường type 2 (chiếm đa số 95%). Ảnh hưởng di truyền đối với đái tháo đường nói chung không hoàn toàn tuyệt đối vì còn tương tác với yếu tố môi trường và cơ địa di truyền.
Đối với đái tháo đường type 1, xu hướng người thân dễ bị đái tháo đường type 1. Nghiên cứu cho thấy, 2 cá thể sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ 2 người cùng bị đái tháo đường type 1 là 30-40%. Còn đái tháo đường type 2, tác động này có thể thấy rõ hơn như: Tỷ lệ 2 người sinh đôi cùng trứng bị đái tháo đường type 2 là 90-100%. Cha hoặc mẹ bị đái tháo đường thì khả năng con bị là 15%, còn cả cha và mẹ bị thì con số lên đến 75%.
Đây chỉ là con số ước tính, ngoài ra, việc phát sinh đái tháo đường còn phụ thuộc một số yếu tố khác nữa.
ThS.BS. Tuấn Khoa