Từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng nói là chỉ trong vòng bảy ngày nghỉ Tết Giáp Thìn - 2024, Phòng Khám, Tư vấn tiêm chủng - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào.
Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Nguyên nhân mắc bệnh dại
Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Bệnh dại là bệnh viêm não, tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại.
Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.
Công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại vẫn còn hạn chế dẫn đến tình trạng chủ quan lơ là trong việc thực hiện nghiêm các quy định về tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, mèo; hoặc tự chữa trị bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Cách phòng ngừa bệnh dại hiệu quả
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Không tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
- Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccin phòng dại, huyết thanh kháng dại
- Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh dại thường không đặc biệt như sốt và đau đầu. Khi bệnh tiến triển gây viêm não và viêm màng não, dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Liệt nhẹ hoặc một phần.
- Lo âu, mất ngủ, lú lẫn, hành xử bất thường, quấy rối, ảo giác rồi tiến tới mê sảng và hôn mê. Cái chết thường xảy ra sau đó 2 đến 10 ngày.
- Khi triệu chứng đã biểu hiện, khả năng sống sót là gần như bằng không, kể cả bệnh nhân có được chăm sóc tích cực hay không.
Chứng sợ nước (hydrophobia) là tên gọi khác ít phổ biến hơn của bệnh dại đề cập đến loạt triệu chứng giai đoạn sau mà ở đó bệnh nhân có biểu hiện khó nuốt, tỏ ra sợ hãi khi được cho nước để uống, và không thể làm hết cơn khát. Có thể điều này là do thực tế virus sinh sôi và tích lũy trong tuyến nước bọt của động vật bị nhiễm vì mục đích lây truyền thông qua hành vi cắn. Khả năng truyền virus sẽ giảm đi đáng kể nếu cá thể bị nhiễm có thể nuốt nước bọt và nước. Chứng sợ nước thường đi với thể dại cuồng, loại chiếm 80% số ca người mắc. 20% còn lại có thể trải qua thể dại câm với đặc điểm yếu cơ, mất cảm giác, và liệt; thể này không mấy khi gây ra chứng sợ nước.
Xem thêm video được quan tâm
Những thói quen tốt cho thận cần thực hiện ngay nếu muốn có thận khỏe | SKĐS