Đây là một băn khoăn thường gặp và điều này cần được làm rõ. Thế nào là phơi nhiễm với bệnh dại?
Mọi người thường bị bệnh dại từ vết cắn của động vật bị dại. Người ta cũng có thể bị bệnh dại nếu chất gây nhiễm từ động vật dại (nước bọt chẳng hạn) tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương, nhưng những trường hợp như vậy thì hiếm.
Vết cào, trợt, vết thương hở hoặc niêm mạc bị dính nước bọt hay các chất có khả năng gây nhiễm khác (như mô não) từ động vật bị dại là những phơi nhiễm không cắn. Đôi khi những báo cáo phơi nhiễm không cắn như thế cần phải cho dự phòng sau phơi nhiễm.
Hít phải virut bệnh dại trong khí dung cũng là một đường phơi nhiễm không cắn có nguy cơ, nhưng ngoại trừ nhân viên phòng thí nghiệm, hầu hết mọi người sẽ không gặp phải khí dung virut bệnh dại.
Tiếp xúc khác như vuốt ve con vật dại hoặc tiếp xúc với máu, nước tiểu hoặc phân của động vật dại không phải là phơi nhiễm.
Những trường hợp dại lây truyền từ người sang người được ghi nhận đầy đủ trong y văn từ trước đến nay là 8 người được ghép giác mạc và 3 người được ghép tạng đặc (solid organs). Nguy cơ này có thể được ngăn ngừa nhờ những quy định nghiêm ngặt về hiến giác mạc và tạng ghép. Bên cạnh lây truyền từ ghép giác mạc và tạng, về mặt lý thuyết, các phơi nhiễm cắn và không cắn gây ra bởi người bị nhiễm có thể lây truyền bệnh dại, nhưng chưa có trường hợp nào được ghi nhận. Tiếp xúc thông thường như chạm vào người bị bệnh dại hoặc tiếp xúc với dịch hoặc mô không gây nhiễm (nước tiểu, máu, phân) không phải là phơi nhiễm và không cần dự phòng sau phơi nhiễm. Ngoài ra, tiếp xúc với một người đang được tiêm vắc xin dại không phải là phơi nhiễm với bệnh dại và không cần dự phòng sau phơi nhiễm.
(Nguồn: CDC - Transmission: Exposure to the Virus - Rabies)
ThS. BS. Nguyễn Quốc Thái (khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai)