Hà Nội

Bệnh đa xơ cứng có khó điều trị?

10-10-2013 11:05 | Bệnh thường gặp
google news

Đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS) là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống làm giảm chức năng thần kinh, kết hợp tạo thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Biểu hiện bệnh đa xơ cứng bao gồm nhiều giai đoạn tê liệt thần kinh.

Đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS) là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống làm giảm chức năng thần kinh, kết hợp tạo thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Biểu hiện bệnh đa xơ cứng bao gồm nhiều giai đoạn tê liệt thần kinh.
 
Hiện nay khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của bệnh đa xơ cứng. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng bệnh cũng có thể do yếu tố môi trường gây ra. Số người mắc bệnh này ở Bắc Âu, miền Bắc Hoa Kỳ, Bắc Úc và New Zealand cao hơn so với các vùng khác trên thế giới. Bệnh cũng có yếu tố gia đình. Các nhà khoa học cho rằng, đa xơ cứng là một loại phản ứng miễn dịch bất thường chống lại hệ thần kinh trung ương.
 
Các công trình nghiên cứu những năm gần đây đã xác định được những tế bào miễn nhiễm nào đang làm gia tăng sự tấn công, làm thế nào mà chúng bị kích hoạt để tấn công, mục tiêu là các myelin bị phá hủy. Nguyên nhân gây nên bệnh đa xơ cứng có thể có vai trò của các virut, sự bất thường của các gen có trách nhiệm kiểm soát hệ thống miễn dịch hoặc là sự kết hợp của cả hai. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới, phổ biến nhất ở độ tuổi từ 20-40 tuổi nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào.

Bệnh đa xơ cứng thường gây viêm lặp đi lặp lại phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh, để lại nhiều vùng mô sẹo dọc theo lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh, gây hậu quả làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh. Bệnh thường diễn tiến trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng xen kẽ thời gian không có triệu chứng nhưng hay tái phát.

Bệnh đa xơ cứng có khó điều trị? 1
 Dây thần kinh bình thường (trên - phải) dây thần kinh bị phá hủy màng bọc myelin (dưới - phải) trong bệnh đa xơ cứng.

Biểu hiện bệnh

Bệnh nhân bị đa xơ cứng thường có những biểu hiện sau: suy yếu ở một hoặc nhiều chi, liệt một hoặc nhiều chi, run rẩy ở một hoặc nhiều chi, co thắt cơ (hiện tượng co thắt này diễn ra gần như tự động, bệnh nhân không kiểm soát được ở các nhóm cơ), cử động khác thường, tê liệt, tê buốt, đau đớn, mất thị lực, mất khả năng phối hợp động tác và cân bằng tư thế, mất trí nhớ hoặc không có khả năng phán đoán, mệt mỏi. Độ nặng nhẹ của các triệu chứng tùy thuộc vào từng đợt tấn công. Bệnh nhân có thể bị sốt hoặc các cuộc tấn công trở nên nặng hơn khi tắm nước nóng, hay ra ngoài ánh nắng và bị căng thẳng thần kinh.

Trên thực tế, biểu hiện bệnh đa xơ cứng của mỗi bệnh nhân một khác cả về mức độ trầm trọng và diễn tiến của bệnh. Chẳng hạn, có những bệnh nhân chỉ có một vài lần xuất hiện bệnh và bị mất chức năng nhẹ. Trong khi nhiều bệnh nhân lại gặp phải tình trạng đa xơ cứng với hàng loạt các lần bệnh trầm trọng tái phát, xen kẽ là những quãng thời gian hồi phục. Một số bệnh nhân khác gặp phải chứng bệnh được gọi là "diễn tiến" có thể là bệnh "chính yếu" hoặc có thể là "thứ yếu". Ở thể đa xơ cứng chính yếu - diễn tiến thì tình trạng bệnh càng ngày càng tiến triển xấu đi, cơ hội hồi phục ít. Nhưng với thể đa xơ cứng thứ yếu - diễn tiến, bệnh biểu hiện với một loạt các đợt tái phát và hồi phục nhưng vẫn tiến triển nặng dần theo thời gian. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng ở tình trạng tái phát - thuyên giảm hoặc thứ yếu - diễn tiến.

Phương pháp điều trị

Đến nay vẫn chưa có phương thức điều trị bệnh đa xơ cứng. Sự điều trị được thực hiện với mục tiêu kiểm soát được các triệu chứng và duy trì được chức năng để mang đến chất lượng cuộc sống ở mức tối đa cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân mắc thể tái phát - thuyên giảm được sử dụng liệu pháp điều chỉnh miễn dịch bằng việc tiêm thuốc một lần hoặc vài lần mỗi tuần. Thuốc được sử dụng là dạng interferon hoặc thuốc glatiramer acetate.
 
Các loại thuốc steroid cũng được sử dụng để làm giảm mức độ trầm trọng của một đợt bệnh tấn công. Thuốc điều trị triệu chứng: baclofen, tizanidine, diazepam để làm giảm sự co thắt của cơ. Thuốc chống liệt rung có tác dụng cholinergic có thể giúp làm giảm những vấn đề về tiết niệu. Thuốc chống suy nhược có thể giúp người bệnh chống lại những triệu chứng về tâm lý hoặc hành vi. Thuốc amantadine có sử dụng để chống sự mệt mỏi. Những liệu pháp vật lý, tâm lý... phối hợp để cải thiện quan điểm của người bệnh, giảm tâm lý chán nản, nâng cao những kỹ năng đối phó.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh đa xơ cứng có yếu tố gia đình; nguyên nhân gây bệnh có thể có vai trò của virut, sự bất thường của các gen có trách nhiệm kiểm soát hệ thống miễn dịch hoặc là sự kết hợp của cả hai; bệnh nhân có thể bị sốt hoặc các cuộc tấn công trở nên nặng hơn khi tắm nước nóng, hay ra ngoài ánh nắng và bị căng thẳng thần kinh. Vì vậy, chúng ta có thể đề ra biện pháp phòng và hạn chế bệnh bằng các phương pháp sau: nếu trong gia đình có cha mẹ hay anh chị bị đa xơ cứng thì cần chú ý nghĩ đến bệnh này ở con cái khi chúng có một hay nhiều hơn các biểu hiện bệnh nói trên để kịp thời khám và chữa bệnh.
 
Cần phải phòng tránh và điều trị tích cực các bệnh do virut gây ra như: sởi, zona, herpes, quai bị, thủy đậu, các bệnh viêm gan virut A, B, C, viêm não do virut, cảm cúm... bằng cách: cách ly người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc bệnh nhân, thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật và trước khi ăn.
 
Không dùng chung khăn mặt, dụng cụ ăn, bàn chải đánh răng, dao cạo râu... không dùng chung bơm kim tiêm; quan hệ tình dục an toàn; tiêm chủng vaccin phòng bệnh do virut gây viêm gan, viêm não...; tránh cho bệnh nhân đa xơ cứng tắm nước nóng, hạn chế ra nắng và tránh mọi căng thẳng thần kinh trong công việc và sinh hoạt.

ThS. Phạm Phú Vinh


Ý kiến của bạn