Nguyên nhân gây bệnh da mùa xuân ở trẻ em
Sự thay đổi thời tiết và dinh dưỡng ảnh hưởng đáng kể đến làn da trẻ em. Vào mùa xuân, không khí vẫn còn khô do vậy da trẻ trở nên khô, dễ bong vảy, hoặc ngứa nhiều... Vì vậy, bệnh da mùa xuân ởtrẻ em không thể xem nhẹ.
Nguyên nhân dinh dưỡng gây bệnh da mùa xuân ở trẻ em
Thiếu kẽm
Viêm da đầu chi nặng do dạ dày-ruột ở trẻ nhũ nhi: bệnh di truyền hiếm gặp do không có khả năng hấp thu đủ kẽm trong chế độ ăn vì thiếu gene SLC39A4 vận chuyển kẽm đặc hiệu trong ruột. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện trong vài tháng đầu đời, thường sau lúc cai sữa mẹ chuyển sang sữa công thức. Da trẻ nổi lên những mụn nước dạng chàm hóa, khô, đóng vảy hoặc dạng vảy nến, phân bố đối xứng ở những vùng quanh hốc mắt, đầu chi, vùng hội âm và trên cằm, đầu gối, và khuỷu. Tóc thường đổi màu hung đỏ bất thường và dễ bị rụng là đặc điểm của bệnh. Rối loạn ở mắt cũng xảy ra như sợ ánh sáng, viêm kết mạc, viêm mi mắt, và loạn sản giác mạc.
Các dấu hiệu khác gồm có: tiêu chảy kéo dài, viêm miệng, viêm lưỡi, viêm quanh móng, loạn dưỡng móng. Những trẻ này dễ bị kích thích, các vết thương ngoài da chậm lành, hoặc bị nhiễm trùng tái phát, hoặc bội nhiễm nấm Candidas albicans.
Do chức năng tế bào bạch huyết và loại thải gốc tự do bị tổn thương, nếu không điều trị bệnh sẽ thành mãn tính diễn tiến từng đợt cách quãng. Có những trường hợp bệnh biểu hiện ngoài da không nặng trẻ lại bị tình trạng chậm tăng trưởng và chậm phát triển rõ.
Chẩn đoán bệnh dựa trên tập hợp những triệu chứng lâm sàng và đo nồng độ kẽm trong máu thấp. Thay đổi tế bào học trên da không đặc hiệu gồm lớp thượng bì bị á sừng hóa, nhợt nhạt. Sự đa dạng của biểu hiện lâm sàng có nguyên nhân do kẽm có vai trò trong nhiều con đường chuyển hóa khác nhau, như: chuyển hóa đồng, protein, acid béo thiết yếu, các prostaglandin và tổng hợp nhiều enzyme kim loại.
Điều trị bằng hợp chất kẽm với liều 50mg sulfate kẽm, acetate hoặc gluconate hàng ngày cho trẻ nhũ nhi, tăng liều lên 150mg hàng ngày đối với trẻ lớn hơn. Cần thiết phải theo dõi nồng độ kẽm trong máu để điều chỉnh liều thích hợp cho từng trường hợp. Điều trị kẽm có tác dụng làm mất nhanh các triệu chứng ở những bệnh nhân thiếu kẽm thứ phát như: do nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch mà không bổ sung kẽm, hội chứng kém hấp thu mãn, hoặc ở trẻ bú mẹ có nồng độ kẽm trong máu thấp và những trẻ đang bị bệnh.
Thiếu acid béo thiết yếu
Với chế độ ăn thiếu chất béo, trẻ bị viêm da bong vảy toàn thân gồm hồng ban mảng dày, bong vảy. Gây bệnh thực nghiệm trên động vật bằng cách cho ăn chế độ ăn không béo. Trên người ghi nhận trên bệnh nhân bị kém hấp thu nặng mãn tính trong hội chứng ruột ngắn hoặc chế độ ăn không chất béo hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần không chất béo. Thiếu linoleic acid và arachidonic acid có sự hiện diện những chất chuyển hóa bất thường 5,8,11 - acid eicosatrienoic trong huyết tương. Chẩn đoán bệnh dựa vào sự thay đổi trong tỉ lệ triene và tetraene.
Những biểu hiện khác của tình trạng thiếu acid béo thiết yếu là rụng tóc, giảm tiểu cầu và chậm lớn. Quan sát da trên kính hiển vi thấy những vết nứt trên lớp sừng ở da gây tăng mất nước qua lớp thượng bì. Điều trị bằng bôi tại chỗ thuốc acid linoleic và dinh dưỡng thích hợp có thể cải thiện biểu hiện lâm sàng và thay đổi sinh hóa.
Bệnh suy dinh dưỡng phù
Trong thời gian cai sữa chuyển sang chế độ ăn đặc không thích hợp, trẻ dễ bị thiếu protein nặng và cạn kiệt acid amino thiết yếu mặc dù được nuôi dưỡng với chế độ ăn mà khối lượng thức ăn nhiều nhưng mất cân bằng về các chất vẫn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Da trẻ lúc này có màu đỏ nâu và bong vảy lan tỏa, nặng hơn da bị trợt và nứt nẻ. Tổn thương gặp ở những vùng da tiếp xúc ánh sáng mặt trời như bàn chân và mu bàn tay. Móng tay chân trở nên mỏng và mềm hơn, tóc thưa thớt, sợi mỏng và bạc màu. Đôi khi có dấu hiệu lá cờ gồm những dải màu nhạt, đậm xen kẽ phản ánh thời kỳ dinh dưỡng thích hợp và không thích hợp. Tổn thương da gần giống viêm da đầu chi do dạ dày ruột. Đo nồng độ kẽm trong máu thấy thấp và trong một số trường hợp tổn thương da lành nhanh khi bổ sung kẽm.
Thiếu vitamin A
Vitamin A là sinh tố tan trong dầu có sẵn trong các thực phẩm gốc động vật (sữa, lòng đỏ trứng, gan) và được tạo thành trong cơ thể từ sắc tố b carotene có trong rau củ như: rau ngót, rau dền, cà rốt, đu đủ, khoai lang… có vai trò thiết yếu trong tăng trưởng, nhìn trong bóng mờ và các mô cơ, biểu hiện đầu tiên là mắt bị quáng gà. Thay đổi ở da gồm khô da niêm, dày sừng và tăng sản thượng bì, đặc biệt ở lớp sừng nang lông và tuyến bã. Trường hợp nặng da bị bong vảy.
Mùa xuân, các bậc phụ huynh cần lưu ý duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng cho trẻ. Đầy đủ khoáng chất và sinh tố không những có vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng cường sức khỏe cho trẻ mà còn có tác dụng gìn giữ làn da trẻ khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh da ở trẻ.
Các bệnh khác dẫn tới bệnh da mùa xuân ở trẻ em
Bệnh xơ hóa nang
Là bệnh di truyền tác động tới các tuyến ngoại tiết gồm các tuyến tiết chất nhầy, tiết mồ hôi và tuyến khác. Suy dinh dưỡng thiếu năng lượng gặp trong 5 - 10% số bệnh nhân bị bệnh này. Hồng ban có thể xuất hiện từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Đầu tiên da tróc vảy, hồng ban nổi quanh miệng, vùng hội âm và tứ chi. Rụng tóc có thể xảy ra nhưng niêm mạc và móng không bị ảnh hưởng.
Bệnh Pellagra
Chế độ ăn thiếu acid nicotinide (một vitamin nhóm B) làm trẻ hay bị phù, da nổi hồng ban vùng mặt, cổ, và mu bàn tay, cánh tay, bàn chân và có cảm giác nóng rát khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Những tổn thương này có thể khởi phát khi da bị phỏng, đè ép, chà xát và viêm. Sau đó xuất hiện hồng ban hình cánh bướm trên mặt và viêm da quanh cổ, mụn nước dày, vỡ và tăng sắc tố. Nhiễm trùng da có thể xảy ra nhưng hiếm khi nặng. Bệnh cũng có thể gặp ở trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc kém hấp thu niacin và hoặc tryptophan. Điều trị chủ yếu bằng bổ sung nicotimide và tránh ánh sáng mặt trời.
Bệnh Scurvey
Do thiếu vitamin C gây ra do chế độ ăn uống không có trái cây hoặc rau tươi, hoặc ăn uống không đầy đủ. Da bị dày sừng nang lông. Lông tóc bị quăn lại ở vùng trên cánh tay, lưng, mông và chi dưới. Những đặc điểm khác là hồng ban quanh nang lông và xuất huyết, đặc biệt trên cẳng chân có khuynh hướng lan rộng. Miệng bị viêm sưng, nướu bị sưng đỏ. Điều trị thử bằng vitamin C là phương pháp tốt nhất giúp chẩn đoán bệnh.