1. Đa hồng cầu là gì?
Đa hồng cầu thuộc nhóm bệnh tăng sinh tủy mạn tính ác tính. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng quá mức số lượng hồng cầu trong máu người bệnh. Sự gia tăng bất thường này làm tăng độ nhớt của máu gây nên các biểu hiện như đỏ da, chi, tê bì đầu chi, biến chứng tắc mạch.
Độ tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn, phân bố ở độ tuổi trên 60. Theo ghi nhận tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, độ tuổi mắc bệnh đang dần trẻ hoá, có những trường hợp mới phát hiện bệnh ở độ tuổi 30 – 40.
2. Triệu chứng của bệnh đa hồng cầu nguyên phát
- Đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị lực, đau thắt ngực
- Đau nhói, tê bì đầu ngón chân, ngón tay
- Ngứa có thể xuất hiện sau tắm nước nóng
- Biến chứng tắc mạch: phần lớn gặp biến chứng tắc các mạch nhỏ, một số trường hợp gặp tắc mạch lớn như huyết khối tĩnh mạch sâu
- Biến chứng chảy máu: xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa
- Lách to (70% người bệnh), có thể có nhồi máu lách
- Gan to (30% người bệnh)
- Cao huyết áp
- Nóng bừng mặt
- Ngoài ra có thể đau bụng vì viêm loét dạ dày do tăng tiết histamine và tăng tiết acid hay do tắc mạch (tắc mạch mạc treo, tĩnh mạch cửa).
- Giai đoạn cuối có thể kiệt quệ, biểu hiện chủ yếu là thiếu máu, số lượng tiểu cầu có thể tăng, tình trạng xơ tủy tăng dần và kết thúc bằng chuyển thành ung thư máu cấp tính (lơ xê mi cấp).
3. Nguyên nhân gây bệnh đa hồng cầu nguyên phát
Đa hồng cầu gồm có 2 loại: Đa hồng cầu nguyên phát (đa hồng cầu vô căn - không xác định nguyên nhân) và đa hồng cầu thứ phát (có nguyên nhân gây bệnh).
Nguyên nhân gây bệnh đa hồng cầu nguyên phát chủ yếu do đột biến các gen kiểm soát sự tăng sinh của các tế bào máu. Thông thường, sự phát triển của các tế bào máu bình thường sẽ do các gen kiểm soát. Tuy nhiên trong bệnh đa hồng cầu sẽ làm mất kiểm soát của gen đó và gây nên tình trạng bệnh lý.
4. Biến chứng của bệnh đa hồng cầu nguyên phát
Đối với người bệnh đa hồng cầu, số lượng hồng cầu tăng rất cao dẫn đến độ nhớt (quánh) của hồng cầu bị cô đặc và làm tắc nghẽn mạch máu.
- Nếu tắc mạch trung ương như mạch máu não, người bệnh có thể bị tai biến, người bệnh có thể bại liệt, ảnh hưởng đến các chức năng sống.
- Nếu tắc mạch tim, mạch phổi (nhồi máu cơ tim, tắc động mạch phổi) có thể gây tử vong.
- Tắc mạch ngoại vi có thể dẫn đến tê bì, hoại tử. Nếu tắc động mạch có thể hoại tử khô (tím đen).
- Nếu tắc vi mạch, tĩnh mạch có thể hoại tử ướt (loét) các chi trên cơ thể.
5. Điều trị bệnh đa hồng cầu
Để điều trị bệnh đa hồng cầu, người bệnh được phân nhóm nguy cơ bao gồm:
Nhóm nguy cơ thấp: Tuổi < 60 và không có tiền sử huyết khối. Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ thấp điều trị bằng rút máu định kỳ, dùng chống đông đường uống và theo dõi.
Nhóm nguy cơ cao: Tuổi > 60 và/hoặc có tiền sử huyết khối, hoặc số lượng tiểu cầu tăng > 1500G/l. Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được chỉ định dùng thuốc làm giảm tế bào máu, rút máu, điều trị bằng thuốc đích.
Điều trị hỗ trợ:
Người bệnh đa hồng cầu nguyên phát cần được tư vấn và quản lý tốt các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Người bệnh cần ngưng hút thuốc, duy trì hoạt động thể chất giảm béo phì, điều trị rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, kiểm soát huyết áp.
Thiếu sắt ở người bệnh đa hồng cầu có thể xuất hiện tại giai đoạn sớm. Do đó điều trị hỗ trợ chế phẩm sắt cho người bệnh trong tình trạng thiếu sắt (giảm nồng độ sắt và Ferritin huyết thanh) là việc cần thiết. Chỉ nên bổ sung sắt khi người bệnh có triệu chứng thiếu sắt.
6. Tiên lượng bệnh đa hồng cầu
Đa hồng cầu nguyên phát có tiên lượng tương đối tốt. Thời gian sống thêm có thể kéo dài gần bằng người bình thường nếu được điều trị phù hợp, tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị, đi khám định kỳ, uống thuốc đều đặn.
Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do tắc mạch, tai biến mạch máu não do tăng huyết áp. Một số người bệnh có thể chuyển thành bệnh lơ xê mi cấp.
7. Chăm sóc triệu chứng và rèn luyện lối sống lành mạnh
Ngứa là triệu chứng điển hình thường gặp trong đa hồng cầu. Người bệnh đa hồng cầu thường gặp ngứa khi tắm nước nóng. Để hạn chế tình trạng này, người bệnh nên tắm bằng nước có nhiệt độ vừa phải. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ điều trị. Khi bệnh ổn định thì triệu chứng ngứa và nóng bừng sẽ mất đi.
Đau nhói, tê bì đầu chi thường gặp ở giai đoạn đầu của bệnh, khi bệnh đã biểu hiện toàn phát. Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu, massage, ngâm các chi (tay, chân) vào nước ấm để máu lưu thông. Người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc chống đông, thuốc giảm đau.
Người bệnh không vận động quá mạnh, chơi các môn thể thao gắng sức như đá bóng, tập gym. Các môn được khuyến khích cho người bệnh đa hồng cầu bao gồm: đi bộ, bơi, tập yoga.
Đối với người bệnh bị tai biến, bị liệt, bên cạnh sự can thiệp của các chuyên khoa phục hồi chức năng, sự chăm sóc của người nhà rất quan trọng. Người bệnh nằm lâu dễ bị loét, teo cơ, cứng khớp, tắc mạch. Người chăm sóc cần hỗ trợ lăn trở, không nằm yên một chỗ để tránh nguy cơ loét, tắc mạch; xoa bóp nhẹ nhàng; vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ.
Người bệnh cần đảm bảo ăn uống đầy đủ bốn nhóm thức ăn: chất bột đường, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Người bệnh nên hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay như ớt, hạt tiêu, các chất kích thích như rượu, bia.
Người bệnh nên vệ sinh thân thể, thay quần áo hàng ngày.
Người bệnh nên hạn chế lao động nặng, vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi tuyệt đối khi có dấu hiệu đau nhiều.
Khi ra viện, người bệnh phải uống thuốc theo đơn đầy đủ; khám lại, xét nghiệm theo hẹn, tuân thủ lịch trình điều trị của bác sĩ.