1. Cường giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có nhiều chức năng quan trọng. Tuyến giáp sản xuất ra 2 loại hormone là thyroxine T4 và triiodothyronine T3. Hai loại hormone này rất quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả mọi tế bào trong cơ thể trong quá trình chuyển hóa năng lượng (kiểm soát cách cơ thể chúng ta "đốt" năng lượng như đốt mỡ hay tinh bột, tạo ra nhiệt độ giữ ẩm cơ thể...). Hai hormone này cũng giúp kiểm soát quy trình sản sinh ra protein và kiểm soát nồng độ canxi trong máu.
Thiếu hay thừa hormone tuyến giáp đều có thể khiến cơ thể mất cân bằng. Khi quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp), cơ thể sẽ chuyển hóa năng lượng nhanh hơn bình thường, làm sụt cân và tim đập loạn nhịp.
2. Triệu chứng bệnh cường giáp
Tùy vào bệnh nặng hay nhẹ, giới tính, tuổi tác, mà các triệu chứng hay gặp của bệnh nhân khác nhau. Thông thường các triệu chứng này đi chung với nhau, bắt đầu triệu chứng nhẹ và tăng dần nếu không được chữa trị.
- Giảm cân không chủ ý: Bệnh nhân thấy sụt cân mặc dù ăn uống vẫn bình thường, thậm chí ăn nhiều hơn mà vẫn thấy mệt mỏi.
- Nhịp tim đập nhanh, trên 100 nhịp/phút (nhịp tim bình thường 60-100) kèm theo trống đánh thình thịch ở ngực, nhịp đoạn loạn xạ và đôi khi khó thở.
- Hồi hộp, mất ngủ và cảm giác bất an.
- Run tay chân.
- Chảy mồ hôi.
- Không chịu được nóng, cảm giác uể oải khi nhiệt độ tăng.
- Da mỏng đi.
- Yếu cơ bắp và teo cơ.
- Móng tay giòn dễ vỡ.
- Sưng to tuyến giáp ở cổ.
3. Chữa trị cường giáp thế nào?
Qua thăm khám lâm sàng, tùy vào nguyên nhân gây cường giáp cũng như tình trạng bệnh và sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
- Thuốc kháng giáp: Là các thuốc giảm hoạt động của tuyến giáp trong việc sản sinh hormone. Các thuốc này gồm methimazole hoặc propylthiouracil (PTU). Bệnh nhân sẽ thấy cải thiện triệu chứng trong vài tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc này lâu dài để liên tục ức chế tuyến giáp.
Các thuốc kháng giáp có thể có tác dụng phụ là ảnh hưởng lên gan, đặc biệt là PTU. Vì vậy, đa số bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống methimazole trước khi dùng PTU. Tác dụng phụ khác của thuốc kháng giáp là nổi mẩn trên da, nổi mề đay và đau nhức khớp hay tăng rủi ro nhiễm trùng. Cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức khi có những tác dụng phụ này.
- Thuốc radioactive iodine: Là thuốc y khoa hạt nhân, dùng chất phóng xạ iodine (I-131) để giảm hoạt động tuyến giáp. Khi vào bên trong tuyến giáp chất này sẽ làm teo các tuyến bên trong tuyến giáp. Từ đó làm giảm sản sinh chất thyroxine. Trị liệu thường chỉ 1 lần và bệnh nhân sẽ thấy triệu chứng cải thiện trong vài tuần. Sau đó khi kiểm tra mà vẫn còn nhiều hoạt động của thyroid thì bác sĩ sẽ cho thêm trị liệu.
Lưu ý, chất phóng xạ thấp I-131 có chu kỳ phóng xạ (khoảng thời gian phân hủy còn 1/2) khoảng 8 ngày, nên cần một vài tuần để chất phóng xạ hoàn toàn ra khỏi cơ thể. Đôi khi chất phóng xạ này còn làm tuyến giáp giảm hoạt động lâu dài, dẫn đến thấp hormone thyroid, khiến bệnh nhân trở thành suy giáp. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ cần uống thuốc thyroid để cân bằng lại.
Cũng vì lý do chất phóng xạ cần thời gian để đào thải ra ngoài cơ thể, nên trong thời gian đó bệnh nhân cần được cách ly để không bị ảnh hưởng đến môi trường và người xung quanh. Thời gian cách ly bao lâu, thực hiện cách ly thế nào, bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn cụ thể.
- Thuốc kháng nhịp tim beta blocker: Dùng để kiểm soát nhịp tim và giảm triệu chứng cường giáp. Thuốc beta blocker còn giúp giảm run tay chân và giảm tim đập mạnh. Thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thuốc này hỗ trợ trong lúc chữa trị giảm hoạt động của tuyến giáp cho đến khi các triệu chứng cường giáp giảm hẳn.
Lưu ý, thuốc này không nên dùng cho bệnh nhân bị bệnh suyễn vì thuốc có thể làm bệnh suyễn nặng hơn.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là lựa chọn cuối cùng nếu các cách chữa trị trên không hiệu quả. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt phần lớn tuyến giáp, chỉ lưu lại một phần rất nhỏ. Bằng cách cắt phần lớn tuyến giáp, các hoạt động sản sinh quá nhiều hormone sẽ được kiểm soát.
Cách này có thể có những biến chứng nguy hiểm như tổn thương dây thần kinh quặt ngược làm ảnh hưởng đến giọng nói và tổn thương tuyến parathyroid gland. Đây là những tuyến rất nhỏ kiểm soát nồng độ canxi trong cơ thể. Sau khi mổ xong, bệnh nhân có thể sẽ cần dùng thuốc hormone thyroid cả đời vì toàn bộ tuyến giáp đã bị cắt bỏ. Nếu tuyến parathyroid cũng bị cắt, bệnh nhân sẽ phải cần uống thêm thuốc khác để kiểm soát quá trình tổng hợp canxi cho cơ thể.
4. Lưu ý về dinh dưỡng cho bệnh cường giáp
- Sau khi chữa trị, người bệnh nên cẩn thận ăn uống các chất có nhiều Iodine như tảo biển, rong biển, và các chất có nhiều Iodine. Nước uống chữa ho và thực phẩm chức năng cũng có thể có nhiều Iodine trong đó.
- Nên tránh các thực phẩm có đường cao ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết; tránh cách loại chất béo bão hòa khiến cho triệu chứng bệnh cường giáp thêm trầm trọng; tránh thực phẩm đã xử lý và chế biến nhiều lần, tránh thịt đỏ, chiên xào. Người bệnh cũng nên tránh cafe và cách chất kích thích như rượu bia.
- Nên ăn rau quả trái cây tươi kèm theo thể dục và uống nước đầy đủ. Ngủ đủ giấc khiến cho triệu chứng bệnh cường giáp giảm nhẹ.
- Bệnh cường giáp xảy ra khi cơ thể có quá nhiều hormone thyroid. Bệnh có thể có nhiều lý do, trong đó các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch khiến tuyến giáp sản sinh nhiều hormone hơn cần thiết.
- Chẩn đoán bệnh cần kịp thời vì để lâu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tim và các cơ quan khác
- Chữa trị bệnh cường giáp ngày nay có nhiều cách hiệu quả, từ uống thuốc cho đến dùng viên phóng xạ và phẫu thuật.
Mời độc giả xem thêm video:
Bài tập tăng chiều cao, tăng thể lực, đẹp dáng cho tuổi dậy thì.