Bệnh cường giáp - Dùng thuốc gì?

10-04-2017 10:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cường giáp là một hội chứng, tập hợp các triệu chứng do nhiều bệnh gây nên, trong đó có bệnh bướu giáp trạng mà dân gian gọi là bướu cổ.

Cháu là nữ, 22 tuổi, đi khám bệnh được làm xét nghiệm máu và có kết luận bị cường giáp do Basedow. Cháu rất lo lắng, nhịp tim của cháu lúc nào cũng nhanh trên 100 lần/phút. Có thuốc nào điều trị bệnh này không, thưa bác sĩ?

Trần Thu Anh (Hà Nội)

Cường giáp là một hội chứng, tập hợp các triệu chứng do nhiều bệnh gây nên, trong đó có bệnh bướu giáp trạng mà dân gian gọi là bướu cổ. Có hai loại bướu cổ hay gây ra hội chứng cường giáp là bệnh Basedow (bướu cổ lồi mắt) và bướu cổ đa nhân nhiễm độc. Các biểu hiện hay gặp của cường giáp là bướu cổ kèm triệu chứng tăng chuyển hóa: ăn nhiều, uống nhiều, gầy nhanh (trong một thời gian ngắn, người bệnh có thể sụt đến hơn 10kg), nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi nhiều, trong người luôn có cảm giác nóng nảy, bực tức, khó ngủ, rối loạn kinh nguyệt, giảm đam mê tình dục... Xét nghiệm máu có thể thấy các rối loạn về hormon tuyến giáp như giảm TSH, tăng T3, T4.

Bệnh cường giáp

Việc điều trị bệnh này không khó, chỉ cần phát hiện sớm. Bao giờ cũng bắt đầu điều trị bằng phương pháp nội khoa, có nghĩa là sử dụng thuốc điều trị. Các phương pháp điều trị cường giáp bao gồm: điều trị triệu chứng, dùng thuốc kháng giáp, iodine phóng xạ và sau cùng là phẫu thuật.

Người bệnh có thể phải dùng ngay thuốc điều trị triệu chứng do tăng hormon tuyến giáp quá mức, cũng như thuốc điều trị nhịp tim nhanh. Một trong những loại thuốc chính được sử dụng để điều trị triệu chứng này là thuốc ức chế bêta (inderal, tenormin, lopressor). Các  thuốc này có tác dụng chống lại sự tăng chuyển hóa do hormon tuyến giáp gây ra.

Thuốc kháng giáp rất quan trọng trong điều trị cường giáp. Có 2 loại thuốc kháng giáp chính có thể được sử dụng: methimazole và propylthiouracil (PTU). Những thuốc này sẽ tích tụ ở mô tuyến giáp và ức chế bài tiết hormon tuyến giáp. Tuy nhiên tác dụng phụ của các thuốc này là làm giảm bạch cầu của tủy xương (mất bạch cầu hạt - là loại tế bào máu rất cần thiết giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn). Điều quan trọng là người bệnh cần theo dõi, nếu bị sốt, đau họng và bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện khi đang dùng thuốc thì lập tức đi khám. Người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị kháng giáp hàng tháng, cho đến khi tuyến giáp về bình thường. Khi lượng hormon giáp trong máu ổn định, bệnh nhân có thể đến khám bác sĩ mỗi 3 tháng một lần để kiểm tra và phát hiện sớm, đề phòng tình trạng cường giáp xuất hiện trở lại.

Thông thường việc điều trị kháng giáp lâu dài chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị bệnh Basedow. Bệnh này có thể thuyên giảm theo thời gian nhờ vào điều trị bằng iodine phóng xạ hoặc phẫu thuật. Sau 1-2 năm điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 40-70%. Khi đã khỏi bệnh, tuyến giáp không lớn thì việc điều trị bằng thuốc kháng giáp là không cần thiết. Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy việc dùng kết hợp thuốc viên kháng giáp với chế độ ăn uống thường có tỷ lệ khỏi bệnh cao.

Cháu nên đi khám chuyên khoa nội tiết để được chỉ định điều trị cụ thể, không tự ý dùng thuốc sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.


DS. Thanh Lâm
Ý kiến của bạn