(Ngọc Lan - Bến Tre)
Bệnh cườm nước theo thuật ngữ y khoa Việt Nam là bệnh tăng nhãn áp; đây là bệnh về mắt thường gặp, bệnh do tăng áp lực nhãn cầu, nên người bệnh nhìn mờ và đau đầu, nếu áp lực nhãn cầu cao kéo dài sẽ chèn ép làm tổn thương thần kinh thị giác phía sau và có thể gây mù nếu không được điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên bệnh cườm nước. Cườm nước do nhãn áp góc mở và tăng nhãn áp bẩm sinh thường do di truyền gây ra. Cườm nước do tăng nhãn áp góc đóng thường là do có sự tắc nghẽn ống dẫn lưu trong màng mạch dẫn đến tăng áp lực lên mắt. Cườm nước do tăng nhãn áp thứ cấp, bệnh có thể hình thành nếu những ai đã từng mắc phải tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng và bị thêm các bệnh như đái tháo đường, chấn thương mắt hoặc thường xuyên dùng các thuốc corticosteroids.
Cườm nước do tăng nhãn áp góc mở thì thường không có triệu chứng rõ ràng. Cườm nước do tăng nhãn áp góc đóng thì mắt người bệnh bị sưng và có thể cảm thấy đau đột ngột và thường đau dữ dội, mắt nhìn không rõ, cảm giác chói mắt, luôn cảm giác như có lớp màng che trước mặt, người bệnh đôi khi sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa. Cườm nước do tăng nhãn áp bẩm sinh, mắt của bà có 1 lớp màng mờ, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng. Cườm nước do tăng nhãn áp thứ cấp thường có các triệu chứng tương tự như các trường hợp trên.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng loại cườm nước khác nhau. Cườm nước do tăng nhãn áp góc mở, hầu hết sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, nếu dùng thuốc không hiệu quả, chuyển sang điều trị bằng tia laser hoặc phẫu thuật để giảm áp lực bên trong mắt. Với cườm nước do tăng nhãn áp góc đóng, thường điều trị bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt, uống thuốc hoặc thậm chí được truyền tĩnh mạch để hạ nhãn áp, và phẫu thuật cho những người bị tăng nhãn áp nặng. Với cườm nước do tăng nhãn áp bẩm sinh, điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cho bà; Với cườm nước do tăng nhãn áp thứ phát, cần điều trị các căn bệnh có liên quan như: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp,… chỉ phẫu thuật khi thật cần thiết.
Cần thường xuyên khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh tăng nhãn áp trong giai đoạn sớm điều trị kịp thời, theo nguyên tắc chung, khám mắt toàn diện mỗi 3 - 5 năm sau tuổi 40 và mỗi năm sau tuổi 60. Điều trị dự phòng cườm nước bằng thuốc nhỏ mắt có thể làm giảm đáng kể nguy cơ áp lực mắt cao sẽ tiến triển thành bệnh tăng nhãn áp, phải thực hiện nhỏ thuốc thường xuyên ngay cả khi không có triệu chứng. Cần kiểm soát cân nặng và huyết áp. Các nhà khoa học cho thấy kháng insulin - có thể tăng huyết áp và béo phì liên quan với nhãn áp tăng cao. Cần mang kính bảo vệ mắt,chấn thương mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh tăng nhãn áp.