Bệnh cúm vào mùa, cả người lớn và trẻ em đều nhập viện

19-01-2018 10:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Thời tiết thay đổi thất thường tại miền Bắc trong thời gian qua khiến người già, trẻ nhỏ phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa.

Theo ghi nhận tại Hà Nội và các địa phương, số người mắc cúm mùa đang có chiều hướng gia tăng.

Người lớn, trẻ em nhập viện vì cúm

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong vòng 2 tuần qua, bệnh viện đã chẩn đoán, phát hiện gần 300 trẻ mắc cúm, 1/3 trong số đó phải nhập viện. Tình trạng này tại các bệnh viện khác của Hà Nội như BVĐK Xanh Pôn, ĐVĐK Đống Đa, BVĐK Hà Đông… cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc cúm A, cúm B.

Bệnh cúm vào mùa, cả người lớn và trẻ em đều nhập việnBệnh nhân mắc cúm đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.  Ảnh: Trần Minh

Chị N.T.H ở Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội đưa con gái 3 tuổi đi khám tại BVĐK Xanh Pôn cho biết, ban đầu, cô con gái nhỏ của chị bị sốt 39 độ nhưng nghĩ là sốt thông thường nên chị để ở nhà tự theo dõi, sau 2 ngày, cháu cắt sốt chuyển sang ho, đau họng nhưng đến ngày thứ 4 thì sốt cao 40 độ, có biểu hiện mệt mỏi. Chị đã đưa cháu đến BV và được làm test cúm. Kết quả cháu dương tính với cúm A kèm viêm phế quản. Chị H cho biết, trước đó, con gái chị đã được chẩn đoán dương tính với cúm A cách đây 5 tháng. Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong buổi tối, tại BVĐK Xanh Pôn cũng có khoảng 10 cháu bị các triệu chứng tương tự như con chị  H đến khám và được test cúm thì 9/10 cháu đều mắc cúm A hoặc B. Còn tại Khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hà Đông từ đầu năm đến nay, trung bình hầu như ngày nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân mắc cúm, đa số là trẻ dưới 5 tuổi. May mắn là các bé đều mắc bệnh ở mức độ trung bình, nhẹ, điều trị dưới 7 ngày có thể ra viện. Tình trạng này tương tự tại BVĐK Đống Đa (Hà Nội).

Theo thống kê của BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, trong 2 tuần qua, BV cũng đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp dương tính với cúm A, trong đó ghi nhận một nửa là người già và thanh niên. Đáng lưu ý, có trường hợp phụ nữ mang thai 8 tuần được xác định dương tính với cúm A. Một số trẻ nhập viện với triệu chứng viêm phổi, viêm phế quản cấp…

Nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm

TS. Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virut cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông - xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virut gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Cũng  theo TS. Lâm, bệnh cảm cúm hay bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Ở trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virut cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng… Một số người còn bị đau tai hay tiêu chảy. Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài.

Bệnh cúm vào mùa, cả người lớn và trẻ em đều nhập việnBệnh nhân mắc cúm mùa điều trị tại Khoa Truyền nhiễm BVVN Thụy Điển Uông Bí.

Còn BS. Trịnh Thu Hoàn - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo, để phòng tránh bệnh cúm mùa, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng thường xuyên với nước muối sinh lý. Giữ ấm cho cơ thể về mùa đông. Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm: sốt, hắt hơi, sổ mũi, ho…, đau rát họng, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, khó thở, đau tức ngực, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Để đề phòng bệnh, người dân nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là: Nhân viên y tế; Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch…; Người trên 65 tuổi.


Ng.Tuệ
Ý kiến của bạn