Hà Nội

Bệnh cúm ở trẻ: Khi nào cần nhập viện, cách nào phòng ngừa hiệu quả?

27-07-2022 17:06 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Cúm là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh thường tự khỏi nhưng cũng có thể trở thành dịch bệnh nguy hiểm cho con người. Vậy bệnh cúm ở trẻ em khi nào cần nhập viện và cần phải làm gì để phòng ngừa hiệu quả?

Cách phát hiện cúm ở trẻ nhỏCách phát hiện cúm ở trẻ nhỏ

SKĐS - Khi trẻ đã bị nhiễm loại virut nào, bé sẽ có miễn dịch với virut đó. Nhưng vì có quá nhiều virut gây cảm cúm, nên bé vẫn bị mắc bệnh cảm cúm vài lần trong 1 năm và nhiều lần trong cuộc đời.

Vì sao trẻ em là đối tượng dễ bị cúm?

Bệnh cúm thường sẽ xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em. Nguyên nhân khiến trẻ em trở thành đối tượng để virus cúm tấn công chính là: Sức đề kháng của trẻ tương đối yếu. Kháng thể chống virus ở trẻ hầu như rất kém nếu không được chích ngừa. Có những chủng virus cúm chỉ gây ra bệnh ở trẻ em. Những trẻ nằm trong các nhóm bệnh lý mãn tính như: Bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận… khả năng nhiễm cúm là rất cao. Trẻ em thường được tập trung nhiều ở các trường học, nhà trẻ… và đây là điều kiện để virus cúm lây truyền.

Bệnh cúm ở trẻ: Khi nào cần nhập viện và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 2.

Những triệu chứng lâm sàng thường gặp ở trẻ bị bệnh cúm.

Bệnh cúm nguy hiểm mức nào?

Đa phần bệnh cúm thông thường sẽ không gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ em bị cúm với những chủng cúm đặc biệt như cúm A/H1N1, H5N1, H3N2… có thể sẽ gây ra những diễn tiến rất nặng và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng do cúm. Một số biến chứng trẻ mắc bệnh cúm có thể gặp phải là: Bệnh viêm tai giữa; Viêm phổi; Viêm xoang và nhiễm trùng xoang; Gây ra các vấn đề về thần kinh như: Sốt co giật, ngủ li bì...; Viêm não bội nhiễm…

Khi nào cần cho trẻ nhập viện?

Bệnh cúm lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết dịch bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi. Hoặc qua bắt tay, hôn, dùng chung vật dụng, đồ chơi…

Cần phát hiện triệu chứng sớm như sốt, đau họng, ho, sổ mũi, ói mửa, mệt mỏi, bỏ ăn. Ở trẻ, đa số các bệnh đều có thể có những triệu chứng như trên, tuy nhiên hỏi kỹ bệnh sử thì trong gia đình và nhà trẻ có những người bệnh tương tự. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc lúc trẻ bệnh, nên để trẻ ở nhà và cách ly với trẻ khác. Nếu diễn tiến nhanh nên đưa trẻ đi khám.

Cần đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu: Bỏ ăn kéo dài. Thay đổi hành vi thái độ ( li bì, kích thích). Khó thở, thở mệt, thở nhanh...

Cần đi khám bệnh nếu trẻ có các triệu chứng: Sốt ≥38,5 oC kéo dài hơn 3 ngày. Nghẹt mũi không giảm hay nặng hơn kéo dài ≥ 14 ngày. Đỏ mắt, mắt có ghèn vàng. Triệu chứng ở tai: Đau tai, chảy mủ tai.

Điều quan trọng, bệnh cúm dễ bị nhầm với cảm lạnh thông thường, bởi các triệu chứng tương tự nhau như sốt, ho, đau họng, mắt đổ ghèn, đau đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn và có kèm các cơn ớn lạnh, sốt cao và gây mệt mỏi. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh cúm ở trẻ: Khi nào cần nhập viện và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 4.

Bệnh cúm lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết dịch bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi.

Cách phòng ngừa cúm hiệu quả

Để phòng ngừa cúm hiệu quả cần làm sạch vật dụng, đồ chơi và nơi ở của trẻ. Khi trong lớp, trong trường học hay trong nhà có người bị nhiễm virus cúm sẽ là tín hiệu cho thấy nơi đó cần được lưu tâm vệ sinh. Rất có thể bàn ghế, cửa...đã bị nhiễm và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm cho người khác.

Cần phải khử trùng những nơi virus "lưu trú" như bàn ghế, tủ, giường, cửa, nhà vệ sinh, đồ chơi của trẻ.

Các biện pháp bảo vệ tốt nhất đối với cúm là cần thực hiện nguyên tắc phòng bệnh, trong đó cần chú ý:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên.

- Che miệng và mũi khi hắt hơi , tập cho trẻ dùng khuỷu che miệng mũi khi hắt hơi.

- Đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế đến nơi đông người, nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm.

- Tăng cường thông khí nơi ở, mở các cửa sổ, lau rửa nền nhà, bàn ghế và vật dụng thường xuyên.

- Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách: Bú sữa mẹ càng sớm càng tốt và đủ lâu (16 - 20 tháng)

- Ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, không quá thiếu cũng như không quá thừa.

- Cho trẻ ngủ đủ giấc.

- Vận động cơ thể thường xuyên bằng những trò chơi ngoài trời nếu có điều kiện.

- Cách ly với những người nghi ngờ bị bệnh. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trẻ có bệnh cúm nếu không có chỉ định nhập viện, cần được cách ly tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt. Che mũi miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và cho khăn vào thùng rác ngay. Nếu không có khăn giấy, chúng ta có thể dùng cánh tay và khuỷu tay để che miệng, không được dùng bàn tay để che miệng vì có thể làm lây lan virus sang các bề mặt, vật dụng.

- Tiêm phòng đầy đủ để không bị mắc bệnh thêm khi đang bị cúm, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh hoặc có cơ địa suy giảm miễn dịch, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ béo phì, trẻ có bệnh lý mạn tính...

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm là tiêm chủng. Tuy nhiên, những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm lây lan. Các thói quen này cần được áp dụng cho cả trẻ em và người lớn.

Bệnh cúm ở trẻ: Khi nào cần nhập viện và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 5.

Để phòng nừa bệnh cúm cần rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước.

Tóm lại: Cúm không phải là một bệnh nhẹ và lành tính đối với trẻ em. Phụ huynh hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ một cách chủ động, từ những bước cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày. 

Bác sĩ chỉ định thuốc điều trị cúm trong trường hợp trẻ được nhập viện. Việc điều trị bằng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và phòng ngừa biến chứng. Đây chính là phương pháp gián tiếp tránh được nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhằm dự phòng bệnh cúm lây lan.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-



BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh
Ý kiến của bạn