Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus gây ra. Ở những nơi có khí hậu nóng ẩm như nước ta, bệnh cúm rất dễ lây từ người này sang người khác, qua các hạt bụi nước nhỏ có chứa virus do người bị bệnh ho hay hắt hơi hoặc có thể lây do tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, tiếp xúc với đồ vật có virus. Vì vậy, nhiều phụ nữ khi mới mang thai lần đầu thường băn khoăn, lo lắng không biết việc bị cúm có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mình và thai nhi không?
Nguy cơ đối với mẹ
Trước hết, cần khẳng định rằng phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và khi bị cúm thì thường nặng hơn phụ nữ bình thường. Bởi vì khi mang thai, cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch, do đó cúm nguy hiểm hơn với những phụ nữ mang thai. Tuy tỷ lệ tử vong của cúm rất thấp, song nguy cơ đó tăng lên nhiều lần đối với phụ nữ mang thai. Điều đáng lo ngại là không chỉ cúm mà hầu hết những bệnh do virus gây ra ở phụ nữ mang thai thường kéo dài hơn ở những phụ nữ khác. Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài từ 3 - 4 ngày. Nhưng với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn nhiều.
Trong thời gian mang thai có thể tiêm vắc-xin ngừa cúm. |
Nguy cơ đối với thai
Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ. Một số trường hợp, phụ nữ mang thai bị cúm có thể làm tăng khả năng sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai bị cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh nhẹ ở thai nhi như: hở hàm ếch... Tuy nhiên, hiếm khi có dị tật bẩm sinh nặng ở não.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu của Viện Tâm thần New York (Hoa Kỳ) đã khẳng định có mối tương quan giữa sự nhiễm cúm của người mẹ trong thời kỳ mang thai, với nguy cơ rối loạn tâm thần khi bé trưởng thành. Các nhà nghiên cứu cho rằng, não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong năm tháng đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này là:
- Các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai.
- Sự hiện diện của những chất liệu gen của virus cúm.
- Thân nhiệt của mẹ tăng cao.
- Các thuốc trị cúm có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi.
Phòng ngừa và điều trị
Mùa cưới thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, dù bạn bắt đầu có thai vào thời gian nào cũng dễ rơi vào mùa cúm. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn có thể tiêm vắc-xin phòng cúm. Xét về hiệu quả, tuy chưa được khẳng định hoàn toàn, song thực tế cho thấy hiện chưa có biện pháp dự phòng cúm nào cho người mang thai tốt hơn vắcxin. Xét về nguy cơ, vắc-xin cúm đã được chứng minh là vô hại. Thai phụ sau khi tiêm có thể hơi đau chỗ tiêm hoặc đau cơ, sốt và rét run, nhưng các triệu chứng này rất hiếm gặp.
Những phản ứng dị ứng có liên quan tới thành phần albumin trong khâu sản xuất vắc-xin cũng hiếm và có thể phòng ngừa bằng cách tuân thủ các quy định về chống chỉ định tiêm phòng. Trên thực tế, nếu có tiền sử dị ứng với vắcxin cúm hoặc với các thành phần trong khâu sản xuất vắc-xin như lòng trắng trứng, một số kháng sinh và chất bảo quản thì không nên tiêm. Nói chung, người ta khuyên nên tiêm phòng vắcxin cúm cho phụ nữ mang thai hoặc có khả năng mang thai khi nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong trường hợp bạn bị cúm, cách điều trị chủ yếu là nâng cao sức đề kháng (tăng cường dinh dưỡng, vitamin C, dầu cá, các vitamin nhóm B...), chờ bệnh lui, kết hợp dùng một số thuốc chữa triệu chứng. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai không được tự dùng thuốc mà nên đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
BS. NGUYỄN THU PHƯƠNG
Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus gây ra. Ở những nơi có khí hậu nóng ẩm như nước ta, bệnh cúm rất dễ lây từ người này sang người khác, qua các hạt bụi nước nhỏ có chứa virus do người bị bệnh ho hay hắt hơi hoặc có thể lây do tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, tiếp xúc với đồ vật có virus. Vì vậy, nhiều phụ nữ khi mới mang thai lần đầu thường băn khoăn, lo lắng không biết việc bị cúm có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mình và thai nhi không? |