Bệnh của mùa thi

04-06-2014 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Tiếp theo kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử sẽ trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng - một kỳ thi quan trọng trong cuộc đời.

Tiếp theo kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử sẽ trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng - một kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Rất nhiều phụ huynh lo lắng con em mình bị căng thẳng quá mức do áp lực thi cử. Một khảo sát gần đây đã cho thấy: xấp xỉ 20% số học sinh dưới 16 tuổi trên địa bàn Hà Nội có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó một phần không nhỏ có biểu hiện trầm cảm, căn bệnh có nguyên do các em bị căng thẳng, áp lực quá mức, đặc biệt vào mùa thi...

Học sinh cần tránh việc học dồn thi ép dễ gây căng thẳng tâm lý.

Học sinh cần tránh việc học dồn thi ép dễ gây căng thẳng tâm lý.

Sức não có hạn...

Bộ não của con người khi tiếp nhận và xử lý thông tin cũng giống như hệ tiêu hóa thu nhận và tiêu hóa thức ăn. Một lượng thức ăn vừa đủ, ăn đúng lúc, hợp với khẩu vị và khả năng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và cường tráng. Nếu ăn uống nhồi nhét, không khoa học với mong muốn cơ thể thành “Thánh Gióng” chỉ sau một vài ngày sẽ đem lại vô số bệnh tật của dạ dày, đại tràng, thậm chí tử vong do... bội thực. Với bộ não, việc bị “bội thực” thông tin có thể khiến bạn bị rơi vào chứng trầm cảm, một hình thức “tẩu hỏa nhập ma” khi ôn thi.

Mỗi người chúng ta khi sinh ra đều được tạo hóa ban tặng một bộ não với số lượng tế bào não hay các neuron xấp xỉ như nhau (vào khoảng 15 tỷ neuron). Tuy vậy, trong số chúng ta, ngồi cùng chung một mái trường, học cùng chung thầy cô, chung một bài giảng mà sau này người thì trở thành thiên tài, người thì không qua nổi kỳ thi tốt nghiệp, tại sao như vậy? Đó là vì tuy số lượng neuron trong não là như nhau nhưng chúng hoạt động không như nhau về số lượng và về vị trí trong não. Nói một cách khác, khả năng làm việc, sự hưng phấn của não bộ rất khác nhau ở mỗi người nên khả năng thu nhận và xử lý thông tin cũng rất khác nhau. Hơn nữa, bộ não làm việc cũng cần có thời gian. Kiến thức đi vào cần được “tiếp nhận, phân loại và xử lý” một cách có hệ thống. Một lượng thông tin quá lớn vào “ào ạt” sẽ khiến bộ não chóng mệt mỏi và sinh bệnh tật. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng khiến các tế bào não chóng “chập mạch” như mất tập trung khi học tập; phương pháp tư duy không khoa học; quá căng thẳng, lo âu kéo dài trước mỗi kỳ thi; học tập trái với chu kỳ sinh học của cơ thể kiểu “ngủ ngày cày đêm”; bắt buộc phải học những môn học mà mình không thích, không đam mê; tận dụng những phương pháp, những thứ thuốc huy động trí nhớ (mà hiệu quả không rõ ràng) dẫn đến vắt kiệt sức não như các chất cường thần (amphetamine), các chất “cải thiện tuần hoàn não”... và một vấn đề hết sức quan trọng: đó là ăn uống, sinh hoạt không đúng, không đầy đủ dẫn đến suy kiệt sức khỏe thể chất.

Khi ôn thi cần ngủ đủ để tránh mệt mỏi.

Khi ôn thi cần ngủ đủ để tránh mệt mỏi.

Dấu hiệu của trầm cảm

Biểu hiện của chứng trầm cảm rất phong phú và đa dạng. Sau một thời gian học tập, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, cảm giác như không còn sức lực; ăn uống kém, gầy sút hoặc trái lại: lên cân nhanh; ngủ nhiều kiểu ngủ li bì, hay gặp ác mộng và rất mệt sau khi thức dậy chứ không tỉnh táo thoải mái như ở người bình thường. Nhiều bệnh nhân lại mất ngủ thường xuyên; đau đầu, đau tức ngực; cảm giác đè nặng ở ngực; khó thở; đau vùng thượng vị; học tập mất tập trung, trí nhớ giảm sút, chán nản, bi quan, ám ảnh tội lỗi hoặc cảm giác vô dụng của bản thân, xa lánh, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh... Có người lại biểu hiện bằng những cơn kích động la hét, cười nói lảm nhảm mất kiểm soát, suy giảm hoặc mất ham muốn ăn uống, vui chơi hoặc các hoạt động xã hội khác. Nặng hơn có thể bị hoang tưởng tự sát. Thực tế đã cho thấy nhiều em học sinh tự tử trong mùa thi do quá căng thẳng hoặc kết quả thi không đạt như ý muốn.

Các sĩ tử khỏe mạnh, tỉnh táo khi vào phòng thi sẽ làm bài thi tốt.

Các sĩ tử khỏe mạnh, tỉnh táo khi vào phòng thi sẽ làm bài thi tốt.

Để tránh “tẩu hỏa nhập ma”

Đối với lứa tuổi học sinh, việc học tập và thi cử là đương nhiên và không thể tránh khỏi nếu muốn trở thành một công dân tốt có học thức và nghề nghiệp ổn định. Nhưng học đến đâu, có thể học những gì lại phụ thuộc tố chất của từng người. Vì vậy, việc học tập và lựa chọn môn học sao cho đúng khả năng và niềm đam mê là yếu tố hết sức quan trọng. Ví dụ, nếu bạn thích môn toán, bạn sẽ nhớ rất nhanh những gì có liên quan đến môn này và có thể thức cả đêm để giải một bài toán khó mà sáng hôm sau vẫn tươi tỉnh trong khi cho bạn học thuộc chỉ vài câu thơ thôi bạn đã cảm thấy đau đầu nếu bạn không thích! Thứ hai đó là vấn đề thu nạp kiến thức một cách hết sức từ từ, tránh học “gạo”, học kiểu đối phó, gần thi mới học. Bạn nên nhớ câu ngạn ngữ: “Thành Rome không thể xây dựng xong trong một ngày” nên tuyệt đối tránh việc học dồn thi ép. Bên cạnh đó, hết sức chú ý tạo cho mình một phương pháp làm việc khoa học, có kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ càng; không nên sử dụng những thứ thuốc chưa rõ tác dụng nhằm tăng cường trí nhớ; không nên lạm dụng những chất kích thích gây tỉnh táo như chè, cà phê. Nên có một chế độ ăn đầy đủ các chất thịt cá, rau tươi, hoa quả, các chất vitamin và uống đủ nước. Cũng nên tạo cho mình một tâm lý hết sức thoải mái khi học hành ôn luyện. Cuối cùng, các bậc phụ huynh, những người luôn kỳ vọng (mà thường là quá nhiều) vào con em mình cũng nên biết rằng: sức người là có hạn, không thể bắt con gà đẻ ra quả trứng to như trứng ngỗng. Hãy hiểu thật rõ khả năng của các em, từ đó cũng không nên ép buộc, thúc giục, bắt con em chúng ta phải học tập quá sức, có thể sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

TS.BS. Vũ Đức Định

 


Ý kiến của bạn