Bệnh Crohn và cách ngừa biến chứng

10-04-2016 07:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh Crohn viết tắt là IBD (Inflammatory Bowel Disease) gây ra viêm nhiễm, lây lan và đi sâu vào thành của đường tiêu hóa gây loét, chảy máu.

Bệnh Crohn viết tắt là IBD (Inflammatory Bowel Disease) gây ra viêm nhiễm, lây lan và đi sâu vào thành của đường tiêu hóa gây loét, chảy máu. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn cả là tuổi trẻ. Bệnh gây nhiều phiền toái cho người bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh Crohn

Cho đến nay vẫn chưa xác định được một cách chắc chắn nhưng sự tổn thương hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng kháng thể (khả năng tạo kháng thể) chống lại tác nhân gây bệnh và yếu tố di truyền (do đột biến gene) được nhiều nhà khoa học quan tâm hơn cả. Ngoài ra, các tác nhân gây bệnh như vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng), chế độ ăn uống không hợp lý cũng là các tác nhân gây bệnh được quan tâm. Bên cạnh đó, một số yếu tố có lợi cho sự xuất hiện hoặc làm cho bệnh Crohn nặng thêm như hút thuốc, di truyền, sống trong môi trường có ảnh hưởng của bụi, hóa chất (công nghiệp, phòng thí nghiệm)… cũng được đề cập tới.

So sánh vị trí đau trong bệnh Crohn (hình trái) và viêm đại tràng.

Biểu hiện của bệnh Crohn như thế nào?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn từ nhẹ đến nặng và có thể phát triển dần dần hoặc xảy ra đột ngột mà thường không có cảnh báo nào. Một số trường hợp có khoảng thời gian không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì (khoảng lặng) do bệnh đã  thuyên giảm. Bệnh Crohn có loại cấp tính và mạn tính.

Loại cấp tính có biểu hiện đau bụng (do tổn thương thành ruột và do co thắt), nhất là vùng hố chậu phải (dễ nhầm với bệnh ruột thừa, viêm đại tràng mạn tính, sỏi niệu quản, ở nữ giới còn có thể nhầm với u nang buồng trứng xoắn hoặc vỡ, hoặc chửa ngoài tử cung) hoặc nhầm với bệnh lao ruột, một số trường hợp kèm theo có sốt cao (39-400C). Đau bụng thường xảy ra sau khi ăn, kèm theo buồn đi đại tiện, sau khi đại tiện, đau bụng giảm hoặc hết. Có thể đi ngoài phân lỏng hoặc có kèm theo máu. Tiêu chảy là dấu hiệu hay gặp nhất ở người bị bệnh Crohn, đồng thời có thể buồn nôn hoặc nôn.

Loại mạn tính, bệnh tiến triển từ từ và kéo dài khá lâu (khoảng trên 2 năm), bệnh thể hiện đau bụng âm ỉ, da xanh, mệt mỏi, giảm sự thèm ăn, gầy sút, thiếu máu, thể trạng có thể suy sụp do rối loạn tiêu hóa kéo dài gây mất nước, chất điện giải, chất dinh dưỡng (do không hấp thu được).

Biến chứng do bệnh Crohn là thiếu máu, suy dinh dưỡng (đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi), nguy hiểm nhất của bệnh Crohn là gây thủng ruột hoặc gây rò từ hồi tràng vào đại tràng, rò vào bàng quang… Ngoài viêm và loét ở đường tiêu hóa, bệnh Crohn có thể gây ra tác hại cho các bộ phận khác của cơ thể (viêm khớp, viêm mắt, viêm da, sỏi thận, sỏi mật, có trường hợp bị viêm ống dẫn mật). Bệnh Crohn mạn tính có thể gây loãng xương.

Bệnh Crohn là một bệnh rất dễ nhầm với một số bệnh khác, để chẩn đoán chính xác không thể không dựa vào kết quả của cận lâm sàng. Vì vậy, cần xét nghiệm máu, xét nghiệm phân (tìm hồng cầu trong phân, nuôi cấy xác định vi khuẩn, soi phân tìm ký sinh trùng), nội soi, chụp Xquang có chuẩn bị (thụt tháo và có thuốc cản quang), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).

Nguyên tắc điều trị bệnh Crohn

Để điều trị có hiệu quả, tốt nhất là xác định được nguyên nhân và mức độ, vị trí tổn thương, trên cơ sở kết quả xác định, bác sĩ khám bệnh sẽ có hướng điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân (dùng thuốc hay phải phẫu thuật). Muốn làm được điều đó, khi thấy có rối loạn tiêu hóa kéo dài (đau bụng, đi lỏng, có máu, buồn nôn, nôn…) kèm theo sốt cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và không nên tự mua thuốc để điều trị khi không có chuyên môn về y học, nhất là dựa theo tư vấn của một số người bán thuốc không biết chuyên môn (chỉ vì lợi nhuận của họ) sẽ làm cho bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm và nguy hiểm.

Để phòng bệnh Crohn cần có chế độ ăn uống hợp lý, nhất là ăn rau, trái cây để có chất xơ làm cho tiêu hóa dễ dàng. Không nên hoặc hạn chế ăn, uống các chất kích thích (rượu, bia, gia vị). Không nên hút thuốc, bởi vì thuốc lá là một trong các nguyên nhân làm gia tăng bệnh Crohn. Cần có tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng thần kinh, giảm các stress bằng các hoạt động như tham gia câu lạc bộ, đọc sách, báo, xem vô tuyến, đi du lịch, tăng cường giao lưu bạn bè. Nên thường xuyên tập thể dục, vận động cơ thể (bơi, chơi cầu lông, đi xe đạp, đi bộ…).


BS. Việt Thanh
Ý kiến của bạn