Hà Nội

Bệnh Crohn và biến chứng đáng ngại

28-08-2018 11:20 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh Crohn còn có nhiều tên gọi khác nhau như bệnh u hạt viêm ruột, viêm khu vực đại tràng, viêm ruột khu vực hoặc viêm manh tràng.

Bệnh được hiểu là một dạng bệnh về viêm ruột, gây loét thành trong của ruột non và ruột già; có liên quan chặt chẽ đến một số bệnh mạn tính về đại tràng; thường có xu hướng chuyển từ bệnh nặng sang thuyên giảm và tái phát ngược lại.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Crohn là bệnh viêm mạn tính mô hạt của ống tiêu hóa, chủ yếu ở đoạn cuối ruột non, ngoài ra có thể gặp ở tất cả các vị trí khác của ống tiêu hóa. Căn nguyên của bệnh chưa rõ ràng, thường xảy ra ở nam giới từ 20 - 40 tuổi. Nguyên nhân cho đến nay vẫn hoàn toàn chưa được biết rõ, các nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ ngày nay đang được đề cập đến nhiều là tự miễn, nhiễm trùng (do virut) hoặc có thể là do phối hợp nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, bệnh còn mang tính chất gia đình (5%), nhất là anh em sinh đôi đồng hợp tử. Mặc dù chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng ở những bệnh nhân bị bệnh Crohn, nhưng không chắc rằng chế độ ăn uống là nguyên của căn bệnh này. Tuy nhiên, nguy cơ cao bệnh Crohn xảy ra nhiều hơn ở những người sống ở các thành phố và các quốc gia công nghiệp, có thể các yếu tố môi trường, bao gồm chế độ ăn giàu chất béo trong thực phẩm hoặc tinh chế, có vai trò trong bệnh Crohn.

Nhiều chuyên gia đều thống nhất cho rằng hệ thống miễn dịch trong ruột bị kích hoạt là rất quan trọng. Hệ thống miễn dịch gồm các tế bào miễn dịch và các protein mà các tế bào miễn dịch sản sinh. Thông thường, các tế bào và các protein miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại, virut, nấm và những tác nhân xâm nhập khác từ bên ngoài. Kích hoạt hệ thống miễn dịch gây viêm trong các mô (viêm là một cơ chế quan trọng bảo vệ cơ thể được thực hiện bởi hệ thống miễn dịch).

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn từ nhẹ đến nặng và có thể phát triển dần dần hoặc xảy ra đột ngột mà thường không có cảnh báo nào. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân bị đau bụng và tiêu chảy là biểu hiện thường thấy nhưng các triệu chứng khởi đầu thường nhẹ nhàng, kín đáo. Đau bụng thường khu trú ở hố chậu phải hoặc ở hạ vị dưới dạng đau nhói, thỉnh thoảng có cơn đau trội; đau liên tục hoặc có đợt bộc phát, nhất là khi có biến chứng như nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn. Tiêu chảy thường là trung bình ngày 5-6 lần, có thể xen kẽ với những đợt táo bón. Phân lỏng có màu bình thường trừ khi có biến chứng chảy máu. Trong trường hợp tổn thương lan rộng có hiện tượng phân sống do kém hấp thu, lượng nhiều.

Ở trẻ em, biểu hiện phổ biến nhất là trong tình trạng suy dinh dưỡng. Những người mắc bệnh Crohn có thể giảm cân do mất cảm giác ngon miệng và gây hấp thụ carbohydrate hay chất béo. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ có thể cao hơn nếu có bội nhiễm.

Ngoài ra, tùy theo vị trí tổn thương kết hợp mà có các biểu hiện khác như trong tổn thương đại tràng thường kèm đại tiện phân có máu đỏ tươi; trong tổn thương hậu môn là các tổn thương hồng ban, các vết nứt, các vết loét sâu áp-xe, hoặc xơ hẹp hậu môn. Trong tổn thương miệng và thực quản với các tổn thương loét niêm mạc hoặc loét dạng nốt như trong tổn thương ruột non.

Các biểu hiện tổn thương ở các cơ quan khác có thể xảy ra đồng thời với tổn thương ở hệ tiêu hóa như hồng ban nốt, ngón tay dùi trống, viêm một khớp hoặc nhiều khớp di chuyển với đau, sưng và xuất tiết trong ổ khớp, viêm kết mạc hoặc giác mạc; nhưng cũng có các tổn thương độc lập với tiến triển của bệnh như viêm khớp cùng chậu, viêm tiền phòng, viêm quanh đường mật và viêm xơ đường mật, đôi khi còn thấy sự hiện diện của u hạt và tế bào khổng lồ trong gan.

Biến chứng có nguy hiểm không?

Ở phần lớn bệnh nhân đều có thể gặp một hoặc nhiều biến chứng như tắc ruột có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ, trong đó tắc ruột đột ngột là hậu quả của thức ăn bị ứ lại ở chỗ đoạn ruột bị hẹp, còn tắc ruột từ từ là hậu quả của chít hẹp ruột hoàn toàn do tổn thương.

Chảy máu tiêu hóa thường là chảy máu với số lượng ít và dai dẳng gây ra thiếu máu nhược sắc nhưng đôi khi có thể gây xuất huyết nặng ồ ạt.

Đặc biệt, bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Mặc dù nguy cơ này tăng ở bệnh nhân bị bệnh Crohn nhưng hơn 90% những người bị bệnh viêm ruột không thấy phát triển ung thư và rò xung quanh hậu môn, áp-xe do bệnh Crohn kéo dài làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy (một dạng ung thư da) hoặc ung thư biểu mô u tuyến, dạng ung thư ruột đã đề cập ở trên.

Ung thư có thể phát triển ở vị trí của rò lưu thông hoặc vết thương mạn tính khác. Tại thời điểm này, bệnh nhân có thể đau, chảy máu, hoặc có một khối u quanh cổ rõ rệt và kết quả sinh thiết thường khẳng định sự có mặt của bệnh ung thư.

Dự phòng và giảm nguy cơ

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc theo sự chỉ định của các bác sĩ, người bệnh  cũng cần chú ý đến bổ sung vitamin, khoáng chất và điều trị triệu chứng tiêu chảy, đây cũng là một biện pháp giúp cải thiện tình trạng chung của bệnh. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân, động viên bệnh nhân bằng các liệu pháp tâm lý.

Để phòng bệnh Crohn, cần có chế độ ăn uống hợp lý, nhất là ăn rau, trái cây để có chất xơ làm cho tiêu hóa dễ dàng. Không nên hoặc hạn chế ăn, uống các chất kích thích (rượu, bia, gia vị). Không nên hút thuốc, bởi vì thuốc lá là một trong các nguyên nhân làm gia tăng bệnh Crohn. Cần có tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng thần kinh, giảm các stress bằng các hoạt động như tham gia câu lạc bộ, đọc sách, báo, xem vô tuyến, đi du lịch, tăng cường giao lưu bạn bè. Nên thường xuyên tập thể dục, vận động cơ thể (bơi, chơi cầu lông, đi xe đạp, đi bộ...).


BS. Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến của bạn