Bà Thạnh mấy hôm nay cảm thấy trong người rất khó chịu, đổ mồ hôi, chán ăn, lừ đừ và nôn... Chính vì thế mà bà lại bị mất ngủ, cáu giận, hay khóc lóc... Thấy các dấu hiệu của bệnh trầm cảm của mẹ xuất hiện trở lại, anh Tiến lo sợ vội đưa mẹ đi khám bệnh.
Sau khi khám, hỏi kỹ các triệu chứng cũng như việc dùng thuốc ở nhà, cùng với kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận bà Thạnh bị hạ natri máu do dùng cùng một lúc hai loại thuốc citalopam và thuốc omeprazol... Do hạ natri máu nên bà gặp phải triệu chứng như trên và cũng chính triệu chứng đó lại khiến bà lo âu, trầm cảm. Chẳng là bà Thạnh mắc bệnh trầm cảm người cao tuổi, đang được điều trị bằng thuốc citalopram. Sau đó, bà còn bị bệnh loét dạ dày tá tràng nên phải uống thêm mấy loại thuốc, trong đó có omeprazol. Tuy nhiên, khi đi khám bệnh dạ dày, bà lại không mang theo đơn thuốc cũ và không thông báo cho bác sĩ biết về những thuốc mình đang dùng nên mới xảy ra bị tương tác bất lợi này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc (Bệnh viện 108), citalopram là một trong các thuốc chống trầm cảm, còn omeprazole là một thuốc có tác dụng thuốc ức chế sự bài tiết acid dạ dày. Khi dùng thuốc omeprazole và citalopram đơn độc đều đã có nguy cơ gây hạ natri máu, nên việc sử dụng đồng thời hai thuốc thì nguy cơ này lại càng tăng. Trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp hạ natri máu nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng đồng thời omeprazole và citalopram. Ngoài ra, việc sử dụng đồng thời omeprazol và citalopram làm tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT của citalopram gây rối loạn nhịp tim... Do đó làm tăng lên tình trạng mệt mỏi, thậm chí là nghiêm trọng như chóng mặt nặng hoặc ngất xỉu.
Vì vậy đối với người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi thường mắc cùng một lúc nhiều bệnh và phải dùng đồng thời nhiều thuốc nên khi đi khám bệnh luôn mang theo đơn thuốc đang được điều trị để bác sĩ biết được mình đang uống thuốc gì mới có phác đồ điều trị hợp lý và tránh tương tác bất lợi của thuốc như trường hợp của bà Thạnh.