Hà Nội

Bệnh chân voi và khuyến cáo mới

19-07-2016 18:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh chân voi có tên khoa học là podoconiosis, là bệnh lý trong đó một số vùng cơ thể đặc biệt là chân, tay, bộ phận sinh dục...

Bệnh chân voi có tên khoa học là podoconiosis, là bệnh lý trong đó một số vùng cơ thể đặc biệt là chân, tay, bộ phận sinh dục bị sưng to quá mức do một loại giun sống trong đất ở vùng nhiệt đới gây nên, bằng cách làm viêm hệ thống bạch huyết khiến nơi đó bị tắc nghẽn và dịch bạch huyết tích tụ lại.

Bệnh chân voi hay còn gọi là bệnh nhiễm giun chỉ đã tồn tại từ thời xa xưa. Các nhà khoa học đã phát hiện loại giun này trong xác ướp 3.000 năm tuổi của Natsef-Amun - một cha cố người Hy Lạp. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), căn bệnh chân voi đang ảnh hưởng đến khoảng 120 triệu người tại 80 quốc gia. Ở Việt Nam đã có khoảng 700.000 trường hợp mắc căn bệnh này. Bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở các quốc gia nhiệt đới, cận nhiệt đới và không có ở các nước phương Tây.

Ký sinh trùng giun chỉ gây bệnh chân voi.

Thủ phạm gây bệnh

Như tên gọi “chân voi”, căn bệnh này khiến chi của người bệnh trông giống chân của một con voi. Bệnh “chân voi” là một biến chứng của nhiễm ký sinh trùng giun chỉ do ba loài giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori gây ra. Ký sinh trùng này truyền từ người này sang người khác qua vết muỗi đốt. Bệnh gây ra viêm mạch, hạch bạch huyết, viêm tinh hoàn, làm cho gan to, lách to, đái ra dưỡng chấp, gây tật chân voi... Ngoài ra, nguyên nhân bệnh “chân voi” còn được xác định do các yếu tố như: lao, hủi, nhiễm liên cầu tái phát hoặc do môi trường (như tiếp xúc với một số kim loại silic dioxit). Theo TS. Amesh Adalja, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và cố vấn cao cấp tại Đại học Pittsburgh cho biết: “Sau khi thâm nhập cơ thể qua vết đốt của muỗi mang bệnh, ấu trùng giun chỉ trú ngụ ở hệ bạch huyết gồm các hạch, mạch bạch huyết có nhiệm vụ duy trì cân bằng dịch của mô - là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Thông thường, nếu bị nhiễm giun chỉ một lần không đủ để gây ra những thay đổi, nhưng khi bị nhiễm nhiều lần trong vài tháng liên tục mới có các triệu chứng phát triển bệnh. Mỗi lần bị nhiễm mới, mạch bạch huyết lại bị tổn thương nặng nề thêm.

Trong khoảng thời gian 6 đến 12 tháng, ấu trùng sẽ phát triển thành giun trưởng thành khiến mạch bạch huyết bị tổn thương, giãn rộng. Đa số người bị nhiễm giun chỉ không có biểu hiện bệnh lý ra bên ngoài nhưng hầu hết đều bị tổn thương ở hệ bạch huyết và tới 40% có tổn thương thận, với sự xuất hiện của hồng cầu và protein trong nước tiểu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4% bệnh nhân nhiễm giun chỉ có biểu hiện chân voi. Tình trạng tắc nghẽn mạch bạch huyết khiến dịch bị ứ đọng, làm toàn bộ tay, chân hoặc bộ phận sinh dục của nam giới sưng to gấp nhiều lần so với kích thước bình thường. Da ở vùng bị tổn thương dễ bị bội nhiễm vi khuẩn và trở nên cứng, dày.

Bệnh chân voi.

Khuyến cáo của chuyên gia

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định các phân tử chính bị ảnh hưởng bởi biến thể di truyền trong việc tăng nguy cơ nhiễm bệnh chân voi. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên đi giày, dép để bảo vệ chân. Để hạn chế tối đa sự lây lan cũng như mắc bệnh chân voi, mọi người cần rửa sạch sẽ vùng bị tổn thương bằng nước và xà phòng mỗi ngày. Một số nghiên cứu cho thấy, thói quen này có thể làm giảm một cách hiệu quả các triệu chứng của bệnh. Đồng thời, cần bôi kem kháng sinh lên tất cả các vết thương để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Nâng cao vùng chân, tay bị tổn thương và thực hiện các bài tập cho những bộ phận này để giúp bạch huyết lưu thông tốt hơn.


Minh Huệ (Theo Livesience, 2016)
Ý kiến của bạn