Theo tin từ Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế từ ngày 15 đến ngày 22/9, số trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng đã tăng lên nhiều, từ 52.300 trường hợp lên 57.055 trường hợp nhiễm bệnh tại 61 địa phương… Tính tích luỹ từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 61.805 trường hợp mắc tay chân miệng tại 61 địa phương trong đó đã có 114 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.
Các trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi là hơn 80%. Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết các nghiên cứu của Viện cho thấy tỷ lệ các ca TCM dương tính với các virus đường ruột nói chung là 58%, trong số đó thì virus EV71 chiếm 33%. Đến nay Viện không phát hiện có sự thay đổi của virus EV71, phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, rằng virus EV71 có thể gây bệnh nặng hơn so với các virus khác, nhưng không có bằng chứng thuyết phục về sự biến chủng của nó có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây tử vong.
Để phòng chống bệnh hiệu quả các bậc cha mẹ cần nhớ kỹ 8 thông điệp phòng chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín; không ăn chung muỗng, chén; luộc sôi hoặc ngâm Chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường; người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ; trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác.
PV