Hà Nội

Bệnh chàm, cách phòng và trị

23-08-2017 10:48 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Chàm là một bệnh ngoài da, chiếm 1/4 trên tổng số các bệnh ngoài da và có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và thẩm mĩ người mắc bệnh.

Bệnh thường xảy ra với trẻ em, song thực tế, tỉ lệ người lớn mắc chàm cũng gia tăng nhanh. Do liên quan đến yếu tố cơ địa, thời tiết và các chất tiếp xúc... nên chàm là bệnh rất khó chữa. Việc chọn không đúng thuốc và dùng không đúng cách sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc không khỏi được.

Các tổn thương thường gặp

Chàm được biết đến là căn bệnh viêm da dị ứng và đặc điểm của nó là viêm và nổi mụn nhỏ, ngứa ngáy và loét. Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ nhưng có thể do cơ địa dị ứng (người mắc hen, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao mắc chàm), do kích thích của hóa chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc). Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Thời tiết lạnh, stress, đổ mồ hôi nhiều và phấn hoa... cũng là những nguyên nhân có thể khiến da bị chàm.

Viêm da dị ứng thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, bụng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra, da vùng này đóng vẩy và tróc ra.

Chàm ở tay gây ra bởi sự kích thích của hóa chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su... hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hóa chất.

Chàm đồng tiền: Vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn, chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng.

Chàm thể tạng: Hay gặp ở những người có cơ địa giãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.Các biểu hiện của bệnh chàm.

Các biểu hiện của bệnh chàm.

Nguyên tắc điều trị

Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và vẻ đẹp ngoại hình của bệnh nhân. Chính vì vậy, chúng ta không được xem thường căn bệnh này và việc tìm ra cách phòng và điều trị bệnh chàm hiệu quả đóng vai trò hết sức quan trọng và bức thiết. Giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị bệnh chàm hiện nay là điều trị nguyên nhân gây bệnh để tránh hoặc hạn chế tiếp xúc kết hợp dùng thuốc uống với thuốc bôi ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cần có biện pháp để hạn chế bệnh thêm trầm trọng, cụ thể:

Nếu bệnh nhân mắc phải một số bệnh là tác nhân gây ra chàm cần tích cực chữa song song với điều trị bệnh chàm;

Nếu bệnh nhân bị dị ứng với một số loại thực phẩm, thức ăn hay một số vật nuôi thì nên hạn chế ăn và tiếp xúc càng ít càng tốt;

Nếu chế độ ăn uống thiếu hợp lý khiến cơ thể bị nhiệt gây ra bệnh thì cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, hạn chế các thực phẩm có tính nóng, các loại gia vị cay nóng.

Về sử dụng thuốc:

Do bệnh thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn nên việc điều trị sẽ kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể chia thuốc chữa chàm thành 2 loại: thuốc dùng ngoài và thuốc uống.

Các thuốc dùng ngoài, tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp;

Hồ nước dùng trong giai đoạn đầu, da mới đỏ, chảy nước ít, có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa;

Dung dịch thường dùng là dung dịch Jarish, thuốc tím 0,001%; vioform 1%. Dùng trong giai đoạn chàm bán cấp. Dùng gạc nhúng vào dung dịch, đắp nhiều lần lên nơi thương tổn;

Thuốc mỡ: Chủ yếu dùng trong giai đoạn chàm mạn tính. Việc dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp tính đề phòng sẽ gây phản ứng mạnh. Các kháng sinh dạng thuốc mỡ như cream synalar-neomycin, cream celestoderm-neomycin, bôi khi có nhiễm khuẩn. Các thuốc mỡ chứa corticoid sử dụng để bôi trên tổn thương chàm khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp chàm nhiễm khuẩn. Không nên bôi quá nhiều (diện tích rộng) vì có thể gây biến chứng do tác dụng phụ của thuốc. Trường hợp mạn tính phải dùng khá lâu dài (có thể từ 12-15 tuần). Nếu dùng lâu dài, corticoid có thể gây tác dụng phụ ở da (teo da). Do vậy, tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp. Tốt nhất bạn nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Biện pháp phòng ngừa

Bệnh chàm là một căn bệnh khá phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải không phân biệt độ tuổi, giới tính, chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh càng trở nên cấp thiết:

Đối với những người mà trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh chàm cần chủ động phòng ngừa ngay từ đầu để đảm bảo cơ thể tránh xa những nguyên nhân gây bệnh như: các thực phẩm dễ gây dị ứng, chế độ ăn uống thiếu hợp lý gây nhiệt cơ thể, không nên lựa chọn những nghề nghiệp dễ mắc bệnh như làm nguyên liệu cao su, sơn xe…; Uống đủ nước mỗi ngày, đây là biện pháp rất đơn giản, dễ thực hiện mà rất hiệu quả. Nước sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố. Chính vì vậy, mỗi ngày bạn cần uống 2-2,5 lít nước. Có chế độ ăn uống hợp lý: các thực phẩm có tính mát (rau má, bí đao, bí đỏ, đậu xanh), trái cây và rau củ tươi và hạn chế những thức ăn có tính nóng, nhiệt dễ gây bệnh. Cần cẩn thận trước những thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng (hải sản, gà, vịt xiêm, mắm); Thường xuyên sử dụng các thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, giải độc cơ thể hiệu quả. Giữ vệ sinh da sạch sẽ, thông thoáng. Khi có dấu hiệu bị bệnh, cần liên hệ ngay bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời để bệnh nhanh khỏi và dứt điểm.


BS. Nguyễn Hưng
Ý kiến của bạn