Hà Nội

Bệnh bướu cổ đơn thuần nguyên nhân do đâu, có nguy hiểm không?

04-09-2023 06:31 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bướu cổ đơn thuần (hay còn gọi bướu giáp đơn thuần) là bệnh phì đại tuyến giáp có tính chất lành tính toàn bộ hay từng phần. Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc bệnh người bệnh không nên quá hoang mang.

Có mấy loại bướu cổ, nguyên nhân do đâu?

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Hậu - Khoa Ung bướu & Chăm sóc giảm nhẹ, BV Đại học Y Hà Nội, theo tính chất dịch tễ, bướu cổ có 2 loại chính, cụ thể:

- Bướu cổ địa phương: Là sự phì đại của tuyến giáp ở hơn 10% dân số trong cộng đồng và iod niệu thấp. Nguyên nhân chính là do thiếu iod ở địa phương đó, dẫn tới hàng loạt bất thường bao gồm: rối loạn chức năng tuyến giáp, bướu cổ to, trẻ em kém phát triển trí tuệ, tăng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

- Bướu cổ rải rác: Sự xuất hiện bướu cổ ở ngoài vùng dịch tễ, nghĩa là không phải vùng thiếu iod theo định nghĩa trên.

Chia sẻ về nguyên nhân, BS. Hậu cho biết: Iod là nguyên liệu chính để tổng hợp hormone tuyến giáp có nhiều trong nước, muối biển, rong biển... Do đó, thiếu iod trong khẩu phần ăn là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh bướu cổ địa phương.

photo-1694055954120

Bệnh bướu cổ hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới.

Những địa phương bổ sung đủ iod trong khẩu phần ăn, tỷ lệ bướu cổ chỉ dưới 5%. Tuy nhiên, ở những vùng thiếu iod nặng, tỷ lệ này lên đến hơn 30%. Do đó, bổ sung iod trong khẩu phần ăn là giải pháp vô cùng quan trọng để phòng bệnh bướu cổ.

Trước đây, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ thiếu iod cao. Nhờ Chương trình Quốc gia Phòng chống các rồi loạn do thiếu iod, tỷ lệ bệnh bướu cổ đã giảm đáng kể. Theo số liệu năm 2011, tính chung cả nước tỷ lệ bướu cổ đơn thuần 5,1%. Tuy nhiên, con số này cao hơn ở vùng núi và cao nguyên với tỷ lệ khoảng 34,2%.

Thiếu iod còn có thể do một số bệnh lý như tiêu chảy kéo dài, hội chứng thận hư, thai nghén. Quá thừa iod cũng có thể gây ức chế tổng hợp hormone giáp làm tăng kích thước tuyến giáp.

photo-1694055955941

Siêu âm tuyến giáp để chẩn đoán bệnh bướu cổ.

- Do tuổi và giới tính: Bướu cổ hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Nhất là ở tuổi dậy thì và có thai do tăng cao nhu cầu iod và hormone.

- Do chất kháng giáp, là các chất gây ức chế tổng hợp hormone tuyển giáp, dẫn tới tuyến yên tăng và kích thích tuyến giáp hoạt động và tăng kích thước.

Các chất kháng giáp trong thức ăn: Khi sử dụng quá nhiều và lâu dài một số thức ăn như bắp cải, củ cải, sắn... có thể gây ra tình trạng bướu cổ.

- Do các chất trong nước: Một số vùng núi cao có nồng độ calci và magie trong nước cao dẫn tới giảm tổng hợp hormone giáp.

- Do thuốc: Một số thuốc chứa lithium, kháng giáp tổng hợp, thuốc chưa iod (amiodaron...) có thể gây bướu giáp vì ức chế tập trung iod.

- Do bất thường tổng hợp hormone tuyến giáp: Do thiếu các enzyme tổng hợp tuyến giáp (đây là các chất xúc tác cho quá trình tạo ra các hormone) . Di truyền, chiếu xạ vùng cổ... cũng có thể gây bệnh.

Triệu chứng của bướu cổ

Triệu chứng phổ biến nhất của bướu cổ là một khối u vùng cổ. Các triệu chứng khác của bướu giáp lớn bao gồm:

  • Cảm giác có khối u trong vùng cổ.
  • Khó nuốt.
  • Khó thở.

Trong những trường hợp nghiêm trọng gây thay đổi giọng nói và thậm chí liệt dây thanh âm. Một số trường hợp cần phải sử dụng nghiệm pháp Pemberton để thăm khám.

Để chẩn đoán bướu cổ đơn thuần, theo BS. Hậu, ngoài khám thì các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm T3, T4, TSH đánh giá chức năng tuyến giáp; Định lượng kháng thể anti-TPO và anti-Tg (đặc biệt khi TSH thấp) để phân biệt viêm tuyến giáp định lượng lod niệu để đánh giá mức độ thiếu hụt iod khi nghi ngờ bướu cổ địa phương;

Siêu âm tuyến giáp để đánh giá tính chất của u, đặc điểm nghi ngờ ác tính;

Trường hợp u giáp to, cần chụp X-quang, cắt lớp vi tính đánh giá liên quan với khí quản và các cấu trúc xung quanh; Đo độ tập trung iod hoặc xạ hình nếu cần - BS. Hậu nhấn mạnh.

Các phương pháp điều trị bướu cổ

Theo BS. Hậu, điều trị bướu cổ mục đích là nhằm bình thường hóa nồng độ hormone tuyến giáp để ngăn tuyến giáp hoạt động quá mức. Nếu do nguyên nhân thiếu iod sẽ cung cấp bổ sung iod.

Phẫu thuật khi bướu giáp lớn gây chèn ép, bướu giáp thông vào trung thất, bướu giáp đa nhân hoặc bướu giáp nghi ngờ ung thư, bướu giáp gây mất thẩm mỹ cần được bác sĩ chỉ định cụ thể tùy từng trường hợp cụ thể.

Tóm lại: Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là tình trạng mà tuyến giáp phì đại bất thường. Vì vậy, nếu thấy mình có các triệu chứng trên và nghi ngờ mình bị bướu cổ, hãy sớm sắp xếp thời gian tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Bướu cổ: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trịBướu cổ: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

SKĐS - Bướu cổ có thể liên quan đến việc lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể không bình thường (cường giáp hoặc suy giáp).

Thanh Thảo
Ý kiến của bạn