1. Hệ lụy từ béo phì
Những biến chứng của béo phì là kết quả của chuyển hóa bất thường do sự dư thừa các acid béo tự do. Ở bệnh béo phì, quá trình tích lũy mỡ xảy ra trong một thời gian dài, do đó sự suy giảm khả năng tự bảo vệ chống lại quá trình nhiễm mỡ có thể xảy ra ở một số thời điểm.
- Béo phì gây tăng cholesterol có hại, dẫn đến xơ hóa lòng mạch, gây tăng huyết áp, đôt quỵ. Ở người béo phì, tim cũng phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, dẫn đến mắc các bệnh về tim mạch như suy tim, phì đại cơ tim…
- Béo phì làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, khiến người mắc béo phì dễ bị viêm, điều trị lâu khỏi hơn so với người không béo phì.
- Béo phì còn tạo áp lực lên xương khớp, do đó người thừa cân béo phì dễ mắc các bệnh về xương khớp (thoái khóa khớp, loãng xương). Các vị trí khớp dễ bị tổn thương do béo phì là khớp gối, khớp sống lưng. Người béo phì cũng gia tăng mắc bệnh gout.
- Béo phì gây đề kháng insulin - đây là căn nguyên gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
- Người béo phì cũng dễ mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa, như: Táo bón, ung thư đại tràng, gan nhiễm mỡ…
- Gây bệnh ở đường hô hấp: Ngừng thở khi ngủ, thở ngáy, thở nông…
- Ở trẻ em, ngoài nguy cơ gây ra các bệnh mạn tính còn khiến trẻ suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung học tập thấp hơn.
- Ở phụ nữ gây rối loạn nội tiết, nam giới béo phì có thể bị suy yếu sinh lý.
Ngoài ra, béo phì còn khiến bệnh nhân thiếu tự tin vào ngoại hình của bản thân, dễ dẫn đến stress, trầm cảm…
2. Cách nào điều trị béo phì?
Chi phí cho điều trị béo phì là rất tốn kém. Tuy nhiên nếu không điều trị, để béo phì dẫn đến các bệnh khác thì chi phí điều trị là khó thể tính toán được.
Hiện nay, điều trị béo phì chủ yếu vẫn là thực hiện chế độ ăn, chế độ luyện tập và can thiệp y tế (dùng thuốc, phẫu thuật…). Tuy nhiên, can thiệp y tế chỉ được áp dụng khi các biện pháp can thiệp trên không có kết quả.
2.1 Thực hiện chế độ ăn để ngăn ngừa béo phì
- Cần chọn những thực phẩm phổ biến, tiện lợi và phù hợp với điều kiện kinh tế để thực hiện được chế độ ăn lâu dài.
- Phân bố bữa ăn thích hợp, số lượng thực phẩm dành cho một bữa phù hợp, năng lượng đầu vào thấp hơn năng lượng tiêu hao. Theo đó, chất béo dưới 15%; tỉ lệ carbonhydrat 60-65%; protein dưới 15%. Ngoài ra hoa quả tươi, rau tươi và các thức ăn tự nhiên phải được tăng cường; hạn chế uống rượu bia.
- Nếu có thể, thì lựa chọn chất ngọt không năng lượng, thực phẩm thay thế chất béo.
2.2 Tăng cường hoạt động thể lực
Ngoài chế độ ăn, cần kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực. Sự kết hợp giữa 2 biện pháp này là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của điều trị béo phì.
Không có một phác đồ chung cho hoạt động thể lực ở bệnh nhân béo phì. Mỗi người cần có bài tập riêng do bác sĩ tư vấn. Bởi kế hoạch tăng cường hoạt động thể lực còn phải dựa vào tuổi, giới tính, tình trạng béo phì, các bệnh lý mắc kèm… Ngoài ra còn phụ thuộc vào sở thích của từng cá nhân… thì mới duy trì được các hoạt động thể lực lâu dài.
2.3 Điều trị béo phì bằng thuốc
Thuốc chỉ nên dùng trong những trường hợp bắt buộc, sau khi thực hiện 2 biện pháp trên nhưng kế hoạch giảm cân thất bại. Thuốc chỉ là phương tiện trợ giúp cho chế độ ăn uống và luyện tập.
Sử dụng thuốc nên được cân nhắc khi:
- Bệnh nhân ăn nhiều, luôn có cảm giác đói (là nguyên nhân chính gây tăng cân).
- Bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ cùng xuất hiện như: Rối loạn dung nạp glucose, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Thuốc điều trị béo phì ít có kết quả nếu không phối hợp với chế độ ăn kiêng và tăng cường vận động thể lực. Hơn nữa, dùng thuốc phải áp dụng liệu trình lâu dài do nguy cơ tăng cân trở lại khi ngừng thuốc.
Một số người bệnh không đáp ứng với thuốc giảm cân sau 4 tuần điều trị. Hoặc sự giảm cân dừng lại sau 6 tháng điều trị, hoặc sau một năm điều trị có sự tăng cân trở lại mặc dù thuốc vẫn tiếp tục dùng.
Ngoài ra, thuốc điều trị béo phì có nhiều tác dụng phụ.
Do đó, các trường hợp béo phì chỉ dùng thuốc khi các biện pháp khác đã thất bại và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng.
Các thuốc chống béo phì có thể chia ra 2 nhóm: Thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương và thuốc tác dụng lên hệ tiêu hóa. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cho đơn thuốc cụ thể.
- Thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Điển hình như sibutramine có tác dụng ức chế tái hấp thụ norepinephrine, serotonin, dopamin vào hệ thần kinh, dẫn đến tăng nồng độ của chúng trong máu và làm giảm cảm giác thèm ăn. Thuốc có thể làm giảm trung bình 5% trọng lượng của cơ thể trong 3-6 tháng đầu điều trị. Tuy nhiên thuốc khá nhiều tác dụng phụ.
Sibutramine được FDA cấp phép từ tháng 11/1997, nhưng bắt buộc bán theo toa của bác sĩ điều trị. Thuốc không được chỉ định cho các bệnh nhân có vấn đề về huyết áp mà không kiểm soát được hoặc có tiền sử bệnh lý tim mạch, đột quỵ...
Tại Việt Nam, các dược phẩm chứa sibutramine cũng được lưu hành. Khi sử dụng phải có sự tư vấn của bác sĩ, không tự ý dùng sản phẩm chứa sibutramine. Ngoài ra bệnh nhân cần cung cấp rõ về tiền sử bệnh cũng như các thuốc hiện đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc giữa lợi và hại của việc dùng thuốc này điều trị béo phì.
- Thuốc tác dụng lên tiêu hóa: Điển hình là orlistat có tác dụng ức chế các enzyme phân hủy chất béo trong chế độ ăn uống, làm cho mỡ không hấp thu được tại hệ tiêu hóa. Sau đó sẽ đào thải ngay chất béo chưa được tiêu hóa này ra khỏi cơ thể.
Thuốc thường được sử dụng kèm với chế độ ăn giảm năng lượng, tập thể dục cùng thực đơn dinh dưỡng phù hợp hơn để giảm cân.
Lưu ý, orlistat không ngăn chặn được sự hấp thu năng lượng từ đường và các loại thực phẩm không có chất béo khác. Vì vậy, để giảm được cân, người bệnh vẫn cần phải hạn chế tổng năng lượng đưa vào cơ thể.
Orlistat sẽ đạt hiệu quả giảm cân sau khoảng 2 tuần tính từ khi bắt đầu điều trị. Để thuốc đạt hiệu quả cao nhất và giúp quá trình giảm cân thành công, người bệnh không nên dựa vào thuốc hoàn toàn. Cần đảm bảo không tiêu thụ quá 30% năng lượng từ chất béo trong thực đơn ăn hàng ngày. Lượng chất béo, protein và carbohydrate nên chia đều thành 3 bữa ăn chính mỗi ngày.
Người bệnh cũng cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý tăng/giảm liều nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Khi sử dụng thuốc điều trị trong một thời gian (2 tuần) mà không thấy giảm cân, thì thông báo cho bác sĩ.
Thuốc giảm cân orlistat có thể gây các tác dụng phụ như:
- Các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, hắt hơi, ho.
- Phát ban trên da.
- Đau đầu, đau lưng.
- Viêm nướu, răng.
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn, đau dạ dày…
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
- Nhịp tim đập nhanh, người bệnh cảm thấy khó thở.
- Trọng lượng cơ thể tăng ngược trở lại, phản tác dụng.
Khi có dấu hiệu bất thường trên, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ xử trí kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm khác.
Khi các biện pháp trên thất bại, thì biện pháp phẫu thuật thu hẹp dạ dày có thể được thực hiện.
3. Phòng bệnh béo phì thế nào?
Mỗi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh béo phì ngay từ sớm. Các biện pháp đó bao gồm:
- Thay đổi lối sống, tăng hoạt động thể lực
- Giảm và bỏ hẳn thuốc lá.
- Hạn chế bia rượu và các thói quen có hại khác trong sinh hoạt.
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, không dư thừa năng lượng.
Mời độc giả xem thêm video:
Bất Ngờ: Omicron tự hủy diệt chính mình, đại dịch sẽ kết thúc | SKĐS