Bệnh Basedow là bệnh thuộc bệnh lý tuyến giáp với nhiều tên gọi khác nhau như: Graves, Parry, cường giáp. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, thường gặp nhiều ở nữ, tuổi từ 20 - 40 tuổi.
Về triệu chứng, bệnh có biểu hiện bướu giáp to ra, thường lan tỏa, tương đối đều, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng. Với tim mạch, bệnh thường làm cho bệnh nhân bị hồi hộp, nhịp tim nhanh trên 80 - 100 lần /phút, có khi loạn nhịp, khó thở khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi. Về thần kinh cơ, làm cho bệnh nhân run rõ nhất là ở bàn tay, đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận biết. Bệnh nhân thường mệt mỏi, dễ kích thích thay đổi tính tình, dễ cảm xúc, nói nhiều, bất an, không tập trung tư tưởng, mất ngủ; rối loạn vận mạch ngoại vi, mặt khi đỏ khi tái, tăng tiết nhiều mồ hôi, lòng bàn tay - chân thường ẩm; tăng thân nhiệt, luôn có cảm giác nóng, tắm nhiều lần trong ngày, gầy nhanh, uống nhiều nước, khó chịu nóng, lạnh dễ chịu, ăn nhiều nhưng vẫn gầy hay tiêu chảy và đau bụng, tiểu nhiều, giảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, ngứa, có biểu hiện rối loạn sắc tố da, rụng lông - tóc; các móng tay, chân giòn dễ gãy; ở mắt, thường gặp là lồi mắt; phù niêm thường gặp ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối, có tính chất đối xứng, vùng da thương tổn hồng, bóng, thâm nhiễm cứng, lỗ chân lông nổi lên, mọc thưa, lông dựng đứng, bài tiết nhiều mồ hôi; đầu các ngón tay và các ngón chân biến dạng hình dùi trống, có dấu chứng tiêu móng tay.
Về điều trị, hiện nay có nhiều phương pháp và phương tiện để điều trị bệnh Bassedow. Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc, sự dung nạp và tuân thủ của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Việc dùng thuốc nhất thiết phải tuân thủ chỉ định và theo dõi của thầy thuốc, thuốc thường dùng hiện nay là nhóm thuốc ức chế tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp, như: Carbimazole, Methimazole, Propylthiouracil (PTU), Benzylthiouracil (BTU); khi dùng thuốc không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì cần chuyển sang điều trị phẫu thuật.