Vì sao bệnh bạch hầu lại xảy ra tại huyện Cư M’gar, y tế Đăk Lăk ứng phó thế nào? Phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống đã phỏng vấn BSCKII. Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk về vấn đề này.
PV: Thưa ông, tình hình bệnh bạch hầu cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn diễn biến như thế nào?
BSCKII Nay Phi La: Ngày 30/8 bệnh nhân đầu tiên được phát hiện và sau đó tử vong do bệnh bạch hầu là H’Si Yan, sinh năm 2013, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar. Tính đến ngày 2/9 tại xã Ea H’Ding, huyện Cư M’gar đã có thêm 3 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu và 31 ca đang được cách ly theo dõi tại các cơ sở điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế đã ghi nhận với 4 trường hợp dương tính bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong và 31 trường hợp theo dõi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar lập tức tiến hành điều tra tại khu vực phát hiện dịch để xác định các ca bệnh, đồng thời nhanh chóng tiến hành việc cách ly, khử trùng và cấp dự phòng thuốc kháng sinh cho gần 1.000 người ở khu vực xung quanh; Chính quyền địa phương cùng với ngành y tế huyện Cư M’gar cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch khẩn cấp tại huyện, xã sẵn sàng cung ứng kinh phí, vật tư, hóa chất, thuốc cho việc điều trị, dự phòng bệnh bạch hầu; Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar cũng đã nhanh chóng thành lập khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu.
BSCKII. Nay Phi La (người đứng) trong chuyến đi làm việc về tình trạng bệnh bạch hầu.
Vừa qua, dù là những ngày nghỉ lễ, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS.Trần Đức Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã trực tiếp vào chỉ đạo tại địa bàn, cùng với y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Bệnh bạch hầu chỉ có thể phòng được nếu người dân tiêm vắc-xin đầy đủ. Qua đợt dịch này, có nên đặt vấn đề về chất lượng tiêm vắc-xin trên địa bàn không thưa ông?
Hiện nay, có nhiều bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh, trong đó có bệnh bạch hầu. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai hiệu quả trên toàn quốc, khống chế được các bệnh truyền nhiễm xảy ra. Tại tỉnh Đăk Lăk trong những năm qua tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn luôn đạt chỉ tiêu từ 90 - 95%, nên nhiều bệnh truyền nhiễm được khống chế. Tuy nhiên vẫn còn một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân di cư tự do và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp hơn 90% nên có nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại trong đó có bạch hầu.
Việc các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn là do chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ liều chứ không liên quan đến chất lượng vắc-xin.
Để nhanh chóng dập dịch, hiện nay Đăk Lăk đã, đang triển khai các biện pháp gì?
Ngày 3/9/2019, Sở Y tế Đăk Lăk đã ban hành Công văn số 2138/SYT-KHNVY về việc phối hợp tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh và ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng chống bệnh bạch hầu của ngành y tế.
Theo đó, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo các phòng, ban và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, chú ý tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng; Chỉ đạo phòng GD-ĐT yêu cầu các trường học trên địa bàn tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe học sinh, phối hợp ngành y tế phát hiện sớm học sinh mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác vệ sinh môi trường; Hệ thống y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp viêm họng giả mạc nghi ngờ bệnh bạch hầu, giám sát dịch tễ tại cộng đồng, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không để bùng phát dịch; Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hóa chất, bố trí giường bệnh, chuẩn bị nhân lực thực hiện thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Trước đó, ngay sau khi có chẩn đoán trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu, Sở Y tế trực tiếp đến vùng dịch, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho gần 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh, tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn, cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng dịch. Đồng thời đã triệu tập 10 cán bộ y tế của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột để hỗ trợ cho huyện Cư M’gar. Đối với công tác điều trị, ngành y tế cũng đã thiết lập 3 khu vực điều trị bệnh nhân (khu vực khám sàng lọc, theo dõi chỉ định ban đầu ngay tại Trạm Y tế xã Ea H’Ding; hai khu vực tiếp nhận điều trị là Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên) và sẵn sàng thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh để chủ động phòng lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.
Về giải pháp ứng phó với bệnh bạch hầu trong thời gian tới, Sở Y tế Đăk Lăk sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch khẩn cấp để phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh; Tổ chức tập huấn ngay cho các bác sĩ điều trị và cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn huyện Cư M’gar về công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu; Điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại xã Ea H’Ding để xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 45 tuổi.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 5/9/2019, thông tin từ Trung tâm YTDP Đăk Lăk cho biết, tất cả bệnh nhân đang được cách ly theo dõi bệnh bạch hầu tại BVĐK huyện Cư M’gar và BVĐK vùng Tây Nguyên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh bạch hầu. Tuy có kết quả âm tính với bệnh bạch hầu, nhưng những người này chưa được xuất viện, mà BVĐK vùng Tây Nguyên bố trí xe cứu thương đưa các bệnh nhân về BVĐK huyện Cư M’gar để tiếp tục cách ly đủ 7 ngày theo đúng quy định. Trong quá trình cách ly, mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt đều được ngành y tế hỗ trợ. Riêng 3 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu vẫn đang điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Theo BS. Võ Minh Thành - Phó Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên, sức khỏe của 3 bệnh nhân này đang diễn biến tốt và dần ổn định. Bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị cho 3 bệnh nhân đủ 14 ngày theo quy định.