1. Vì sao bị bệnh bạch hầu?
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae chính là nguyên nhân gây bệnh bạch hầu. Bệnh dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn. Kể cả trong trường hợp khi người bệnh không có biểu hiện triệu chứng thì họ vẫn có khả năng lây truyền cho người khác sau khoảng 6 tuần kể từ khi bắt đầu nhiễm bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu thường có khả năng gây ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Khi bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố và xâm nhập vào máu gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi, đường thở…
Ở nước ta, đa số trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine bạch hầu thấp: trong đó trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn: Không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; Đi du lịch đến một nơi không tiêm chủng vaccine bạch hầu; Bị các rối loạn miễn dịch (AIDS); Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp…
2. Chẩn đoán bệnh bạch hầu
Khi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh bạch hầu khi trẻ bị bệnh đau họng với màng màu xám bao phủ amidan và cổ họng. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm ở họng hoặc mẫu mô từ vết thương bị nhiễm trùng mang đi xét nghiệm để kiểm tra xác định có phải là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae không. Nếu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bác sĩ sẽ ra phác đồ điều trị ngay lập tức.
3. Điều trị bệnh bạch hầu
Biện pháp điều trị bệnh bạch hầu: Kháng độc tố; Kháng sinh; Liệu pháp oxy.
Tránh thở oxy trừ phi bắt đầu có tắc nghẽn đường thở. Các dấu hiệu như thở rút lõm ngực nặng hay bứt rứt có nhiều khả năng bác sĩ chỉ định mở khí quản (hay đặt nội khí quản).
Mở khí quản: chỉ nên thực hiện bởi đội ngũ có kinh nghiệm, khi có dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Đặt nội khí quản qua miệng là thủ thuật thay thế, nhưng có thể làm bong tróc giả mạc và không thể giải phóng tắc nghẽn.
Điều trị: Nếu trẻ bị sốt ≥ 39 độ C bác sĩ cho dùng paracetamol; Khuyến khích trẻ ăn và uống đủ chất. Nếu trẻ khó nuốt, có thể nuôi ăn qua ống sonde mũi dạ dày. Ống sonde dạ dày nên được đặt bởi bác sĩ có kinh nghiệm; Tránh thăm khám thường xuyên và thực hiện các thủ thuật xâm lấn khi có thể hoặc tránh quấy rầy trẻ khi không cần thiết; Cần theo dõi tình trạng của trẻ, đặc biệt là tình trạng hô hấp. Trẻ nên được đặt nằm gần phòng điều dưỡng để có thể phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nào.
Tóm lại: Cần đến ngay cơ sở y tế khám nếu phụ huynh hoặc trẻ đã tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu. Hãy đảm bảo con mình được tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ và đúng lịch.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm bởi ngoại độc tố của vi khuẩn mạnh vì vậy đây là một loại bệnh vừa cấp tính lại vừa mang tính chất cần cấp cứu. Nhiều trường hợp nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ nghẹt thở, suy hô hấp rất nguy hiểm đến tính mạng.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Mách Bạn 4 Cách Đơn Giản Phòng Ngừa Cảm Lạnh, Cảm Cúm