1. Bệnh bạch biến có nguy hiểm không?
Bệnh bạch biến không lây nhiễm và không phải là bệnh ung thư. Tuy nhiên, vùng da bị bạch biến do thiếu hắc tố da nên không thể bảo vệ trước tia tử ngoại, khiến vùng da này tăng rủi ro mắc ung thư da. Đây là lý do vì sao bệnh nhân bạch biến cần phải dùng kem chống nắng (SPF 45) để bảo vệ làn da mỏng manh của họ.
Bệnh nhân bị bạch biến thường bị lo lắng tâm lý, tăng rủi ro về bị bỏng da do ánh nắng (thiếu melanin bảo vệ), các bệnh về mắt, hay các bệnh về tai.
Tùy vào vùng da bị ảnh hưởng mà bạch biến được chia ra làm nhiều loại khác nhau. Khi bạch biến khắp cơ thể, ảnh hưởng phần lớn mọi vùng da, thì được gọi là bạch biến tổng quát. Khi ảnh hưởng chỉ một phần cơ thể gọi là bạch biến một phần.
2. Điều trị bệnh bạch biến thế nào?
Tùy vào loại bạch biến mà bác sĩ da liễu có thể có cách chữa trị cũng như tiên lượng khác nhau. Thường bạch biến nặng cần chữa trị và theo dõi thường xuyên hơn so với bạch biến nhẹ.
Chữa trị bạch biến tùy vào vùng da bị tổn thương ít hay nhiều, vùng da bị bạch biến phát triển nhanh hay chậm và ảnh hưởng thế nào đến tâm lý bệnh nhân. Tuy nhiên, chữa trị bạch biến khá phức tạp và cần thời gian.
Các phương cách chữa trị hiện nay gồm bôi thuốc ngoài da, thuốc uống và dùng ánh sáng dải hẹp.
2.1. Dùng thuốc bôi điều trị bệnh bạch biến
Kem bôi steroid được chỉ định cho những trường hợp nhẹ và tổn thương vùng da hẹp, mới bắt đầu mắc bệnh.
Thông thường kem chứa steroid điều trị bệnh bạch biến là loại mạnh. Kem steroid có tác dụng tốt nhất đối với vùng da mỏng như mặt và ít có tác dụng ở tay chân do da dày hơn.
Tuy nhiên, không được dùng kem steroid lâu dài bởi tác dụng phụ tại chỗ của steroid khi dùng kéo dài là gây teo da. Steroid mạnh dùng bôi ngoài da có thể ngấm vào gây tác dụng phụ khác như ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, tăng huyết áp… nếu dùng lâu dài.
Cần kết hợp kem bôi steroid với các kem khác ức chế hệ miễn dịch như tacrolimus 0.1% có thể có tác dụng tốt.
2.2. Dùng thuốc uống
Thuốc steroid đường uống có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh lan nhanh và rộng. Lúc này kem steroid hạn chế sử dụng.
2.3. Điều trị bệnh bạch biến ánh sáng dải hẹp
Đây là phương pháp dùng ánh sáng UVB kết hợp UVA/thuốc psoralen để điều trị.
Trị liệu ánh sáng dải hẹp UVB được dùng nhiều hơn gần đây sau khi có những hiệu quả trong nghiên cứu được chứng minh. Dùng ánh sáng UVA kết hợp thuốc uống/bôi psoralen có thể có tác dụng đối với bệnh bạch biến lên đến 70%.
Khi sử dụng phương pháp này cần trị liệu liên tục, có hiệu quả từ sau vài tuần liên tục. Tuy nhiên bạch biến có thể xuất hiện trở lại khi ngưng trị liệu ánh sáng.
Một phương pháp khác là phẫu thuật cấy ghép da có thể được áp dụng. Đây có thể coi là phương pháp cuối cùng trong trường hợp da bị bạch biến lâu dài và các trị liệu khác đã thất bại.
Có một tín hiệu đáng mừng cho bệnh nhân bị bạch biến, đó là gần đây các nghiên cứu chỉ ra một loại thuốc được gọi JAK inhibitor - đây là thuốc ức chế chuỗi viêm JAK thường dùng trong các bệnh viêm xương khớp, vảy nến - có thể là thuốc tiềm năng chữa bệnh bạch biến. Nghiên cứu này đã chỉ ra bệnh nhân dùng kem bôi tofacitinib and ruxolitinib (JAK inhibitor) có thể giảm đến 50% vùng da bạch biến.
- Bệnh biến là bệnh hay gặp do thiếu sắc tố da. Bệnh được chia làm nhiều loại, tùy vào mức độ nặng nhẹ sẽ có biện pháp điều trị khác nhau.
- Chẩn đoán bạch biến cần phân biệt với nấm da và các bệnh nguy hiểm khác.
- Chữa trị gồm kem bôi, thuốc uống, trị liệu ánh sáng UVB/UVA và phẫu thuật. Dùng kem chống nắng SPF 45 trở lên ở vùng bị bạch biến. Thuốc JAK có thể là một hướng chữa trị bạch biến trong tương lai.
Mời độc giả xem thêm video:
Sáng 7/5: VN đảm bảo tuyệt đối cho SEA Games 31