Bạch biến là một bệnh ngoài da khá phổ biến, là hiện tượng sắc tố của da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố, có thể ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Bệnh chiếm 1-2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng hay gặp nhất ở tuổi thanh niên.
Các biểu hiện của bệnh
Bạch biến là những nốt nổi thành từng chấm, vết hoặc đám da màu trắng bạch, hoàn toàn mất sắc tố da (melanin) vì ở các vùng đó vắng tế bào sinh sắc tố hoặc có nhưng đã ngừng hoạt động. Các đám bạch biến có ranh giới rõ rệt, viền da lành xung quanh sẫm màu hơn. Da trên đám bạch biến vẫn bình thường không bị teo, cảm giác trên da không biến đổi, không đau ngứa, không tê dại. Lông trên đám bạch biến cũng bị trắng như cước.
Vết bạch biến trên da.
Số lượng và vị trí của đốm mất sắc tố hay thay đổi, có thể gồm một hoặc nhiều đốm, vị trí thường gặp là mu bàn tay, cổ tay, cẳng tay, lưng, cổ, vùng mặt và vùng sinh dục. Đặc biệt, bạch biến hầu như không gặp ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng niêm mạc. Đôi khi các đốm mất sắc tố xuất hiện xung quanh nốt ruồi, bớt, vết bỏng.
Bệnh tiến triển không theo quy luật, rất khó đoán trước, bệnh nhân thường không biết bệnh khởi phát khi nào. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau một chấn thương tinh thần hoặc chấn thương thể chất nặng. Bệnh tiến triển mạn tính, có thể có những đợt nặng lên. Tổn thương thường tăng lên vào mùa hè, giảm đi vào mùa đông hoặc ổn định lâu dài. Ngoài ra, bệnh cũng có tỷ lệ tự khỏi khoảng 15-30%.
Tổn thương bạch biến có thể khu trú hoặc rải rác, đối xứng. Hình tròn, bầu dục hoặc nhiều cạnh nham nhở như bản đồ. Bệnh nhân càng trẻ, thời gian bị bệnh càng ngắn thì có nhiều hy vọng khỏi bệnh hơn. Ngược lại, càng lớn tuổi, bị bệnh càng lâu, triển vọng kết quả điều trị càng kém đi.
Bệnh có lây không?
Điều đáng mừng là bệnh hoàn toàn không lây cho người xung quanh, không gây cảm giác đau ngứa, khó chịu gì, không ảnh hưởng sức khỏe, không gây biến chứng về nội tạng nhưng bệnh có thể gây ảnh hưởng sâu sắc về tâm lý khiến bệnh nhân lo lắng, day dứt, mặc cảm về phương diện thẩm mỹ, nhất là khi tổn thương lộ rõ ở các vùng hở (cổ, mặt, bàn tay), nhất là ở những bệnh nhân đang lứa tuổi sắp lập gia đình.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh còn chưa được làm rõ mặc dù gần đây đã có nhiều tiến bộ về bệnh lý giải phẫu, tổ chức, hóa sinh, nội tiết, thần kinh, di truyền học... Chỉ mới biết rằng bạch biến là do một khuyết tật gây rối loạn chức phận của các tế bào tạo sắc tố da ở vùng bị bệnh.
Bệnh có thể liên quan đến nhiều yếu tố: xúc động, căng thẳng thần kinh, rối loạn giao cảm, rối loạn thần kinh rễ tủy sống ở vùng tương đương. Một số trường hợp có liên quan đến chức phận tuyến giáp trạng, thượng thận, tuyến yên, tuyến sinh dục, gan, tụy... Hiện nay, phần lớn các tác giả đang tập trung nghiên cứu theo hướng liên quan tới di truyền và tự miễn dịch.
Điều trị thế nào?
Vì nguyên nhân bệnh sinh chưa rõ nên điều trị còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thất thường.
Phổ biến nhất là phương pháp dùng các chế phẩm có tác dụng tăng cảm ứng với ánh sáng (cảm quang) toàn thân hoặc tại chỗ như chế phẩm có psoralen (meladinin, melagenin) kết hợp chiếu tia cực tím sóng ngắn hoặc sóng dài tại vùng tổn thương. Cần chú ý là uống thuốc có chất psoralen có thể bị tác dụng phụ: chán ăn, tăng men gan, vàng da. Không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Bôi tại chỗ các chất cảm quang có thể làm cho đám bạch biến bị đỏ rát phỏng nước. Có thể dùng kết hợp với các thuốc chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch (corticoid, immuran, cyclosporin).
Ngoài ra, cấy tế bào sắc tố vào vùng da bạch biến là một phương pháp hiện đại nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn kém nên chưa được áp dụng rộng rãi.
Lời khuyên chung với bệnh nhân là xác định an tâm điều trị lâu dài, tránh quá lo lắng bi quan về bệnh dễ làm nguy cơ bột phát. Khi mắc bệnh, cần phát hiện điều trị sớm ở thầy thuốc chuyên khoa, không nên tự động bôi thuốc, uống thuốc không thích hợp, nhiều khi tiền mất tật mang. Cách phòng ngừa tốt nhất là giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập và làm việc hợp lý.
BS. Phan Thị Huyền Trang