Bệnh bạch bì

26-02-2020 19:12 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trên mặt và cánh tay của tôi xuất hiện một mảng trắng, không đau, không ngứa, có khuynh hướng lớn dần; đi khám bác sĩ chẩn đoán là bệnh bạch bì. Vậy tôi xin hỏi bệnh trên là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?

(Triệu Nguyên Liễu - Vĩnh Long)

Bệnh bạch bì có tên khoa học là Vitiligo, bệnh còn có tên gọi khác là bệnh bạch biến; là tình trạng biến mất sắc tố melanin ở da.

Về nguyên nhân, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định, có nhiều giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra như giả thuyết về cơ địa di truyền; giả thuyết về các yếu tố sinh hóa, giả thuyết này các nhà nghiên cứu thấy có sự gia tăng Tetrahydrobiopterin và Hydrogen Peroxid trong thượng bì do hoạt động của 4a-hydroxy-BH4 deshydratase bị giảm; 7-BH4 tăng sẽ gây ức chế Phenylamine hydroxylase là yếu tố chính của sự thiếu hụt sản xuất melanin; giả thuyết về thần kinh, các nhà khoa học thấy có sự đứt đoạn của phần tận cùng thần kinh nhất là tổn thương trục thứ yếu; giả thuyết tự phá hủy, giả thuyết cho rằng tế bào sắc tố bị phá hủy bởi phức hợp phenolic có trong quá trình tổng hợp melanin, giả thuyết về miễn dịch vì bệnh có liên quan đến một số bệnh tự miễn. Tuy nhiên, ở các bác sĩ thực hành trên lâm sáng thì thấy bệnh có liên quan mật thiết đến một số bệnh như xơ cứng bì, vẩy nến, Basedow, Lichen phẳng, bệnh Down, ung thư, đái tháo đường, có thể do tiếp xúc với hóa chất như  corticoide…

Về triệu chứng của bệnh, là biểu hiện một hoặc vài vùng trên da bị trắng, giống như màu trắng giấy tập học sinh, một số ít có màu hơi hồng do sung huyết của mạch máu dưới da, thường có viền tăng sắc tố nơi tiếp giáp với màu da bình thường; trên sang thương vùng da bạch biến da trơn láng, không có vẩy, không mất cảm giác, khi bị ở da đầu thì tóc cũng bạc trắng với vùng tương ứng; số lượng có thể có một hoặc nhiều mảng, có thể liên kết nhau thành mảng lớn, có thể ra khắp toàn thân; trong quá trình tiến triển của bệnh, có một số người bệnh khỏi tự nhiên, hoặc ở trạng thái ổn định trong một thời gian dài, hoặc phát triển thêm nhiều mảng mới, ở người lớn tuổi có khuynh hướng phát triển nhanh hơn.

Về điều trị, hiện nay vẫn chưa đem lại kết quả thỏa  mãn  lắm, sự có lại sắc tố toàn phần rất hiếm, chỉ có thể có lại sắc tố một phần nhất là trên sang thương mới phát và ở trẻ em. Điều trị tại chỗ, thường dùng thuốc bôi như Meladinine, trong quá trình thoa chú ý thoa chừa khoảng 1mm cách mép da lành, để khi thuốc ngấm ra là vừa, nếu thoa trên cả da lành, sẽ có viền đậm hơn, ở nước ta do nắng nhiều nên chỉ phơi nắng khi ánh nắng đã dịu; điều trị theo đường uống.

Tóm lại, bệnh bạch biến hiện tại về nguyển nhân cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn, bệnh có tính chất lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng nghiên về tâm lý và thẩm mỹ, trong khi chờ đợi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời thỏa đáng, người bệnh chớ lo lắng và tiếp tục kiên trì chờ đợi.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn