1. Áp xe đường gan mật là gì?
Áp xe đường gan mật hay còn gọi là áp xe gan đường mật là tổn thương dạng hoại tử do viêm của các biểu mô gan và đường mật. Quá trình viêm dẫn đến áp xe, có thể là viêm cấp tính nặng hoặc viêm mạn tính.
Áp xe gan đường mật có thể xảy ra ở mọi nhóm tuổi, và thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử nhiễm trùng đường mật hoặc đã từng phẫu thuật lấy sỏi đường mật. Tiên lượng bệnh nhân bị áp xe gan đường mật thường xấu với suy kiệt, sốt cao, đau tức bụng...
2. Nguyên nhân gây áp xe đường gan mật
Tác nhân gây ra áp xe đường gan mật là do các vi sinh vật gây bệnh, xâm nhập vào mô tế bào của hệ thống gan mật gây viêm nhiễm.
- Amip: Là yếu gây các ổ áp xe gan với các tổn thương lan tỏa hoặc khu trú. Các tổ chức viêm gan do amip tăng dần kích thước và gây tắc các nhánh mạch máu dẫn đến hoại tử mô và tạo thành các tổ chức mủ hay các ổ áp xe. Ổ áp xe có thể lan rộng và gây vỡ khi tăng kích thước.
- Vi khuẩn: Đây là tác nhân phổ biến. Tắc nghẽn đường mật do sỏi là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng đường mật và tạo thành các ổ áp xe. Khi tắc nghẽn tại đường mật không được giải quyết, nhiễm trùng sẽ nặng nề hơn và hình thành các ổ áp xe. Hệ thống đường mật trong gan cũng bị tắc nghẽn, ứ mật và gây viêm gan. Áp xe gan đường mật do vi khuẩn thường có số lượng nhiều, rải rác nhiều vị trí với kích thước không quá lớn.
Áp xe đường gan mật còn do giun đũa và các bệnh lý nguy hiểm khác như: Sỏi thận viêm loét dạ dày, tắc túi mật,...
3. Triệu chứng áp xe gan đường mật
Triệu chứng điển hình của bệnh rất dễ dàng nhận thấy:
- Đau tức bụng: Người bệnh cảm nhận được những cơn đau ở sườn phải ngay cạnh gan. cơn đau có thể âm ỉ đôi khi lại dữ dội. cơn đau có thể tràn sang cả vùng thượng vị hoặc khắp bụng nếu ổ áp xe lan rộng ra
- Sốt: Người bệnh sẽ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao đột ngột và có thể kéo dài khoảng 10 ngày. Đây là dấu hiệu khởi đầu cho các triệu chứng chướng khí, đầy hơi…
- Vàng da, vàng mắt: Khi gan bị tổn thương làm vai trò chuyển hóa cũng như đào thải Bilirubin không đảm bảo. Khi Bilirubin trong máu dư thừa và tăng cao là nguyên nhân gây vàng da. Đây là dấu hiệu phát hiện sớm bệnh.
4. Hậu quả nghiêm trọng của áp xe đường gan mật
Khi mới phát bệnh, ở giai đoạn đầu nhiều người thường chủ quan. Nhưng đến giai đoạn sau dấu hiệu bệnh trở nên rõ ràng hơn thì bệnh đã gây ra biến chứng nguy hiểm:
Toàn ổ bụng bị nhiễm trùng
Đây là nguy cơ khó tránh khỏi, bệnh nhân có thể đối mặt với các loại nhiễm trùng khác nhau. Nhiễm trùng ổ bụng là hậu quả nặng nề nhất. Lúc này bệnh nhân đau dữ dội, sốt cao liên tục. Trong trường hợp này nếu không kịp thời chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế để phẫu thuật, vệ sinh ổ bụng thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ rất thấp.
Hình ảnh mô phỏng ổ bụng bị nhiễm khuẩn.
Vỡ ống tiêu hóa
Khi ổ nhiễm trùng vỡ dẫn đến dạ dày, đại tràng trong ống tiêu hóa cũng quá tải và vỡ theo. Người bệnh lúc này đi ngoài ra máu, nôn ra mủ, đau bụng,… Hơn nữa ổ áp xe vỡ vào cơ thành bụng gây áp xe toàn bộ thành bụng.
Nhiễm trùng màng tim
Nếu ổ áp xe ở bên trái bị vỡ ra mủ, dịch có thể tràn vào màng tim gây viêm màng tim. Bệnh tiến triển rất nhanh gây nguy hiểm như: thở khò khè, người tím tái, nhịp tim yếu ớt, người vã mồ hôi,… Nếu không kịp thời cấp cứu người bệnh có thể sẽ tử vong.
5. Các phương pháp điều trị áp xe đường gan mật
Việc lựa chọn phương án điều trị khác nhau ở từng bệnh nhân, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, đáp ứng của người bệnh và bệnh lý khác kèm theo. Trong một số trường hợp cần phối hợp giữa sử dụng thuốc và can thiệp, phẫu thuật mới đạt được hiệu quả điều trị.
Điều trị nội khoa
- Áp xe gan do amip đáp ứng tốt với các thuốc chống amip nếu bệnh được chẩn đoán trong giai đoạn sớm. Một số thuốc chống amip: metronidazole, tinidazole. Đôi khi cần sử dụng thuốc kháng sinh vì dễ bị bội nhiễm.
- Đối với áp xe đường gan mật do vi khuẩn, kháng sinh là lựa chọn để điều trị. Các nhóm kháng sinh tiêu diệt được vi khuẩn Gram âm được ưu tiên lựa chọn. Các biện pháp chống sốc: tăng thể tích dịch truyền; sử dụng thuốc vận mạch cần được áp dụng khi bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng.
Phương pháp ngoại khoa
Chọc hút dẫn lưu ổ mủ; phẫu thuật lấy sỏi và phẫu thuật giải quyết ổ áp xe.
Chọc hút mủ: Được áp dụng khi các khối áp xe lớn, nằm nông dưới da giúp làm sạch và giảm áp lực trong khối áp xe, đồng thời lấy bệnh phẩm cấy định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
Phẫu thuật: Thường được lựa chọn thực hiện bằng phẫu thuật mở ổ bụng để đảm bảo giải quyết sạch các tổ chức hoại tử. Trong trường hợp nặng, khi áp xe gan đóng kén với thành dày, lan tỏa nhiều vị trí, bác sĩ sẽ cân nhắc về việc cắt gan; lấy sỏi trong đường mật để tái lưu thông và hạn chế tái phát bệnh áp xe đường gan mật.
6. Lời khuyên của thầy thuốc
Áp xe gan đường mật do sỏi và giun đường ruột thường có tỉ lệ tử vong cao, việc xử trí điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế người bệnh cần hết sức cảnh giác đề phòng, bằng cách:- Điều trị nhiễm khuẩn tận gốc;
- Vệ sinh ăn uống với chế độ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói không với những thực phẩm tái, sống;
- Bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý;
- Định kỳ 4 - 6 tháng nên tẩy giun một lần đặc biệt là ở trẻ em để hạn chế các yếu tố thuận lợi gây nên bệnh lý viêm nhiễm đường mật;
- Vệ sinh phân bón sử dụng trong nông nghiệp sẽ góp phần giảm được tỉ lệ mắc bệnh ápxe gan đường mật.
Nếu gặp các dấu hiệu nghi ngờ của áp xe gan đường mật hãy đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Ca tử vong số 15 do sốt xuất huyết ở Đồng Nai tự điều trị tại nhà | SKĐS